Chú trọng xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

.

Mùa tuyển sinh năm 2024, các trường đại học trên địa bàn thành phố vẫn ưu tiên phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp THPT từng bước có độ tin cậy và bảo đảm chất lượng đầu vào.

Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trần Phú. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trần Phú. Ảnh: NGỌC HÀ

Chiếm hơn 50% chỉ tiêu

Thống kê của Đại học Đà Nẵng cho thấy, tổng số chỉ tiêu dự kiến của các trường, đơn vị thành viên là 15.570 chỉ tiêu; trong đó, phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là 7.900 chỉ tiêu (chiếm 50,7%), phương thức tuyển sinh theo học bạ chiếm 21,3%; phương thức tuyển sinh riêng chiếm 24,6%, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chiếm tỷ lệ thấp.

Trường Đại học Bách khoa phân bổ 2.340 chỉ tiêu trong tổng 3.650 chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm hơn 64%); 590 chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển học bạ…

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật phân bổ 1.221 chỉ tiêu trong tổng 1.600 chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm hơn 76%); 320 chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển học bạ. Trường Đại học Sư phạm tổng chỉ tiêu tuyển sinh có 2.710 chỉ tiêu; trong đó phương thức tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 1.719 chỉ tiêu (chiếm 64%), 688 chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển học bạ. Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tổng chỉ tiêu tuyển sinh 1.500; trong đó phương thức tuyển sinh kết quả tốt nghiệp THPT 600 chỉ tiêu (40%), phương thức tuyển sinh theo học bạ 498 chỉ tiêu (33%), tuyển sinh theo phương thức riêng 327 chỉ tiêu (21,8%), xét điểm thi theo kỳ thi đánh giá năng lực 75 chỉ tiêu.

Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì trong các khâu như ra đề, thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi nên chất lượng chắc chắn là bảo đảm độ tin cậy. Thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được đo bằng một thang đo chung nên độ tin cậy sẽ cao hơn các phương thức khác. Kết quả phân tích phổ điểm thi của các môn thi trong những năm qua cho thấy, chất lượng ra đề và phổ điểm thi đều là phân phối chuẩn đáp ứng được điều kiện cho các trường lựa chọn thí sinh trúng tuyển vào trường một cách chính xác, công bằng và khách quan. “Những năm qua, nhà trường dành gần 70% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Kết quả tuyển sinh cho thấy, thí sinh nhập học theo phương thức này đạt tỷ lệ cao hơn các phương thức khác. Dường như thí sinh xét các phương thức khác như một trường hợp dự phòng”, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San nói.

Tăng cơ hội cho thí sinh

Tuy nhiên, bên cạnh phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, một số trường cũng cân nhắc phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức còn lại. Việc đa dạng các phương thức tuyển sinh theo các trường là phù hợp với xu hướng những năm gần đây, thí sinh quan tâm đến phương thức xét học bạ, xét tuyển riêng của trường... để tăng cơ hội trúng tuyển.

Theo phân tích của Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT là phương thức được hầu hết trường đại học lựa chọn trong những năm qua do tính tiện lợi, bao phủ các đối tượng thí sinh (bao gồm thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT mà không cần thi lại kỳ thi tốt nghiệp trong năm). Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này là không cùng một thang đo đánh giá khi mà mỗi trường THPT, mỗi địa phương có thể đánh giá nặng nhẹ khác nhau. Ví dụ, học sinh giỏi của trường THPT chuyên hay học sinh giỏi ở các trường THPT đại trà hay học sinh giỏi ở các trung tâm GDTX có năng lực rất khác nhau, khi xét học bạ thì điểm số của các học sinh này được xét như nhau.

Trong khi đó, TS. Huỳnh Ngọc Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, cho rằng đa dạng phương thức xét tuyển tạo sự chủ động, giúp nhà trường lựa chọn thí sinh phù hợp theo yêu cầu, đặc thù riêng của trường. “Việc phân bổ chỉ tiêu của nhà trường chủ yếu dựa kết quả tỷ lệ sinh viên nhập học hằng năm theo các phương thức, đồng thời trong quá trình xét tuyển, nhà trường có sự điều chỉnh qua lại một số chỉ tiêu cho phù hợp”, TS. Huỳnh Ngọc Thọ chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học trong 4 năm qua dao động 40-50%. Năm 2022, có hơn 300.000 trong số hơn 620.000 thí sinh xét tuyển đại học dùng điểm thi tốt nghiệp, chiếm 48,59%; năm 2023 tỷ lệ này là 41,44%. Đặc biệt, khối ngành sức khỏe và nhiều ngành khác với chuẩn đầu vào cao đều dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thống kê năm 2023 cho thấy hơn 200 trường đại học sử dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Hai phương thức có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất vẫn là xét điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ. Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
Du Học - Đặt Cược Cho Tương Lai Theo học ngành ngành dược học tại Đại học Duy Tân