Chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng (1994-2024)

Vị thế mới - Khát vọng lớn

.

Cách đây tròn 30 năm, ngày 4-4-1994, Đại học Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 32/CP của Chính phủ. Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu nhiệm vụ phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia để đảm nhận yêu cầu, sứ mệnh mới của đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng.  Ảnh: Quang Minh
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Ảnh: QUANG MINH

Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng, về những dấu ấn trên hành trình phát triển và khát vọng, tầm nhìn để thực hiện chủ trương chiến lược này.

*  Qua 30 năm hình thành và phát triển, đâu là những dấu ấn nổi bật của Đại học Đà Nẵng, thưa ông?

- Dấu ấn đậm nét trong 30 năm qua là vun đắp được khối đoàn kết, thống nhất, gắn bó các thế hệ không ngừng nỗ lực, phấn đấu và đạt những thành quả nổi bật, toàn diện. ĐH Đà Nẵng đã đào tạo, cung ứng hàng chục vạn cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thật tự hào khi đi bất cứ đâu trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên, cũng như cả nước đều có thể bắt gặp cựu sinh viên ĐH Đà Nẵng hiện diện trên các công trình, dự án lớn, đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học.

ĐH Đà Nẵng phát triển hệ thống tổ chức lớn mạnh, có 6 trường ĐH thành viên và các viện, khoa, phân hiệu, trung tâm trực thuộc với gần 2.600 cán bộ, giảng viên (tăng 6 lần so với khi mới thành lập), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên gần 47% (Trường ĐH Bách khoa đạt gần 75%, bình quân chung cả nước là 30%). Ban đầu, từ một vài trường đơn ngành, quy mô nhỏ (chỉ hơn 7.000 sinh viên chính quy, 20 ngành thuộc 3 lĩnh vực), đến nay ĐH Đà Nẵng thực sự là một trung tâm đào tạo lớn với quy mô đào tạo gần 60.000 sinh viên, đào tạo 18 lĩnh vực, 152 ngành/chuyên ngành ĐH (tăng 7 lần); 44 ngành thạc sĩ, 29 ngành tiến sĩ, đáp ứng nhu cầu xã hội và người học.

Chất lượng đào tạo như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt với hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đồng bộ, liên thông, liên tục cải tiến, cập nhật nội dung, phương pháp dạy - học tích cực (học theo dự án - Project Based Learning, CDIO, học từ trải nghiệm - Learning Express, học kỳ doanh nghiệp); tiên phong mở các chương trình đào tạo chất lượng cao như: Việt - Pháp PFIEV (1999), Việt - Mỹ (2006), Việt - Nhật (2008), đào tạo tín chỉ (2004)… ĐH Đà Nẵng luôn là địa chỉ uy tín được quý phụ huynh, học sinh tin tưởng, lựa chọn qua mỗi mùa tuyển sinh.

ĐH Đà Nẵng luôn khuyến khích, phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; gắn kết với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; hợp tác với các địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…), các ĐH Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, là điểm đến của nhiều sự kiện, hội thảo khoa học lớn. Mạng lưới hợp tác quốc tế ngày càng rộng khắp với hơn 200 đối tác trên khắp thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Asean…). ĐH Đà Nẵng là thành viên của các tổ chức uy tín như: Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF), Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN); mới đây là thành viên đầu tiên ngoài châu lục của Liên minh các ĐH châu Âu (ULYSSEUS); chủ trì, tham gia nhiều dự án lớn và có truyền thống gần 25 năm đào tạo lưu học sinh.

Với truyền thống và những thành quả nổi bật, ĐH Đà Nẵng thực sự khẳng định rõ vai trò, vị thế hàng đầu của một ĐH vùng trọng điểm quốc gia, có chất lượng giáo dục đạt chuẩn trong nước, hướng đến khu vực và quốc tế, được đánh giá cao trên các bảng xếp hạng ĐH uy tín.

* Đại học Đà Nẵng đồng hành, góp phần phát triển thành phố như thế nào trong thời gian qua?

- Khoảng thời gian thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương cũng là chặng đường hình thành và phát triển của ĐH Đà Nẵng. Với lợi thế được “đứng chân” trên một thành phố trẻ, năng động, phát triển, đáng sống và đáng đến đã giúp cho ĐH Đà Nẵng nhiều thuận lợi trong việc thu hút nhân tài từ mọi miền của đất nước đến học tập, nghiên cứu. Có thể nói, trong mỗi bước đi lên của ĐH Đà Nẵng đều có sự quan tâm giúp đỡ chí tình của lãnh đạo và nhân dân thành phố và ngược lại, sự phát triển của thành phố luôn có sự đồng hành, đóng góp tích cực của ĐH Đà Nẵng, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng luôn nhạy bén trong việc mở các ngành đào tạo mới phù hợp với định hướng phát triển vùng, trước hết là thành phố Đà Nẵng như: chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech)…; xây dựng Đề án phát triển Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh thành Trường ĐH Quốc tế, Khoa Y - Dược và Trung tâm Y khoa thành Trường ĐH Y Dược. Hằng năm đón tiếp, làm việc với hàng trăm đoàn khách, tổ chức hàng chục hội thảo, hội nghị quốc tế, thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, lưu học sinh đến có thể kết hợp du lịch, quảng bá danh xưng “thành phố đáng đến, đáng sống”.

Hiện nay hệ thống các trường ĐH trên địa bàn thành phố có quy mô đào tạo khoảng 100.000 sinh viên (trong đó ĐH Đà Nẵng có gần 60.000 sinh viên), cả nghìn giảng viên, nhà khoa học có trình độ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư (trong đó ĐH Đà Nẵng có gần 800 giáo sư/phó giáo sư, tiến sĩ khoa học/tiến sĩ). Đà Nẵng có tỷ lệ 880 sinh viên trên 1 vạn dân (cao gần gấp 4 lần cả nước), hay nói cách khác là “ra ngõ gặp sinh viên”. Vì vậy, có thể nói Đà Nẵng là “thành phố đại học”. Đây là lực lượng trí thức đông đảo, trẻ khỏe, giàu sức sáng tạo, giỏi ngoại ngữ, là lợi thế to lớn mà không phải địa phương nào trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên có được, nên thành phố cần đánh giá đúng mức để từ đó có hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp, phát huy thế mạnh “thành phố đại học”, là điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu phát triển thành phố trở thành “trung tâm đào tạo và đổi mới sáng tạo”, “thành phố sự kiện”, “trung tâm y tế chất lượng cao như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Đại học Đà Nẵng là thành viên ngoài châu lục đầu tiên của Liên minh các trường Đại học châu Âu Ulysseus. Ảnh: ĐHĐN
Đại học Đà Nẵng là thành viên ngoài châu lục đầu tiên của Liên minh các trường Đại học châu Âu Ulysseus. Ảnh: ĐHĐN

* Ông có thể chia sẻ về những định hướng phát triển Đại học Đà Nẵng trong giai đoạn mới?

- ĐH Đà Nẵng rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch hệ thống, theo hướng nghiên cứu, thành lập mới một số trường/viện mạnh về khoa học cơ bản để làm chủ tri thức, công nghệ lõi, công nghệ nguồn; quy hoạch thêm các trường phục vụ các ngành then chốt hay một số trường ĐH địa phương có nhu cầu, phù hợp làm thành viên của ĐH Quốc gia Đà Nẵng trong tương lai. Chú trọng phát triển, nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên; thu hút, trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia “đầu đàn”; ổn định quy mô để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Chìa khóa” ở đây là đổi mới quản trị và tự chủ ĐH (theo lộ trình), đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp và gắn kết với các trường THPT, bởi đây là đầu vào để tiếp tục nâng cao chất lượng.

Trọng tâm phấn đấu thực hiện thành công các dự án xây dựng Khu đô thị đại học (tại Hòa Quý - Điện Ngọc), dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH (PHER) được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm, đầu tư, ủng hộ, từ đó xây dựng nền tảng, cơ sở vật chất tiền đề để ĐH Đà Nẵng phát triển thành ĐH Quốc gia.

Đây không phải nhằm thay đổi danh xưng mà để ĐH Đà Nẵng có điều kiện được ưu tiên đầu tư và tạo cơ chế thuận lợi để phát triển thực sự trở thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của cả nước, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH đổi mới và hội nhập quốc tế. Chủ trương này được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ; Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cũng như dự thảo Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là cơ sở chính trị vững chắc để ĐH Đà Nẵng nỗ lực lớn, quyết tâm cao, triển khai quyết liệt đề án và kế hoạch hành động, cùng thành phố và cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết của Đảng.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

• ĐH Đà Nẵng là ĐH Vùng trọng điểm quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành gồm có 6 trường ĐH thành viên: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn; 6 đơn vị đào tạo trực thuộc: Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Khoa Y - Dược, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Khoa Giáo dục thể chất, Trung tâm Đào tạo thường xuyên và các viện, khoa, trung tâm trực thuộc khác.
• Đại học Đà Nẵng thuộc top đầu các trường đại học có nhiều chương trình đào tạo kiểm định quốc gia, quốc tế với 95 chương trình đào tạo; Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng đạt chuẩn chất lượng quốc tế (HCERES châu Âu từ năm 2017 đến nay); 4 trường đại học thành viên đạt chuẩn chất lượng quốc gia (từ năm 2016 đến nay).
• Hằng năm, ĐH Đà Nẵng thực hiện 200-250 đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp; doanh thu chuyển giao khoảng 30 tỷ đồng; công bố quốc tế hơn 500 bài báo trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus).

QUANG MINH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.