Giải nhất quốc gia UPU lần thứ 53: Để trẻ thơ luôn luôn có nơi gửi gắm ước mơ

.

Đó là mong muốn của em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ) thể hiện trong bức thư đoạt giải nhất Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024) của Việt Nam. Những suy nghĩ, mong muốn tưởng chừng đơn giản, nhưng rất đỗi chân thành của em đã chạm đến cảm xúc người đọc.

Em Nguyễn Đỗ Quang Minh đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024) của Việt Nam. Ảnh: K.N
Em Nguyễn Đỗ Quang Minh đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024) của Việt Nam. Ảnh: K.N

Cuối tháng 4-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024) của Việt Nam. Trong đó, bức thư của em Nguyễn Đỗ Quang Minh xuất sắc đoạt giải nhất cá nhân duy nhất của cuộc thi. Với chủ đề cuộc thi “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu.

Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”, Quang Minh đã hóa thân thành một nhân viên làm việc tại bưu điện ở ngôi làng ông già Noel, trực tiếp đọc những lá thư của trẻ em trên toàn thế giới gửi về. Và khi thấu hiểu được mong ước của trẻ thơ, người nhân viên này đã viết thư gửi giám đốc UPU bày tỏ mong muốn UPU luôn duy trì những hòm thư tay cho trẻ em viết gửi ông già Noel; có nhiều trường đào tạo ông già Noel, để những người yêu trẻ học cách mang đến hạnh phúc cho trẻ.

Lý giải về mong ước này, Quang Minh cho rằng, xã hội ngày một phát triển, con người ngày càng trở nên xa cách, chẳng còn mấy ai viết thư tay cho nhau nữa. Thời nay, ngày càng nhiều trẻ em thiếu thốn tình yêu thương, lạc lõng giữa guồng quay mạng xã hội, trò chơi điện tử. Nhưng sâu thẳm trong đó, trẻ em cũng rất cô đơn và cần lắm một nơi để giãi bày tâm sự.

“Viết ra những lá thư tay chính là nơi để trẻ thơ bày tỏ ước mơ, mong muốn của mình. Nó cũng sẽ giúp tạo nên một sợi dây gắn kết, giữa con người với con người trong thời đại công nghệ số hiện nay. Vì vậy, trong bức thư tham gia cuộc thi, em đã bày tỏ ước mong dù 150 năm hay bất kể bao lâu nữa, trẻ em trên toàn thế giới vẫn giữ mãi sự trong sáng, duy trì viết những thư tay gửi ông già Noel. Và người lớn cũng sẵn sàng trao cho trẻ em niềm tin về việc ông già Noel luôn tồn tại để mang niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này”, Quang Minh chia sẻ.

Theo Quang Minh, việc viết thư tay cũng giống như một lần người viết được tâm sự với bản thân họ. Vì thế, mọi người hãy gửi những bức thư tay cho nhau, để mỗi lần một bức thư được trao đi thì lại là một lần người viết được hoàn thiện bản thân.

“Em muốn thế hệ tương lai thừa hưởng truyền thống viết thư tay mà quá khứ để lại. Thấu hiểu được cảm xúc chân thật từ những bức thư tình của những chàng thanh niên gửi cho những cô gái, người cha đi làm ăn xa gửi thư về cho con trai, hay những bức thư từ gia đình gửi cho người chiến sĩ nơi biên cương. Vậy nên, em muốn dù thời gian có trôi đi bao lâu, công nghệ có hiện đại đến mức nào, con người vẫn trao cho nhau những dòng cảm xúc lắng đọng trên giấy”, Quang Minh bày tỏ.

Bên cạnh giải nhất cá nhân với bức thư của Quang Minh, Trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến cũng đoạt giải nhất tập thể vì có số lượng học sinh tham gia lớn và chất lượng. Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến cho biết, nhà trường rất vui và tự hào khi có học sinh đoạt giải nhất tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 của Việt Nam. Đây là lần thứ hai trường có học sinh đoạt giải nhất cuộc thi này.

Lần trước là vào năm 1998 với bức thư của học sinh Trần Thị Phượng Quỳnh, đoạt giải nhất UPU quốc gia và giải khuyến khích UPU quốc tế. “Quang Minh là học sinh ngoan, siêng năng và trầm tính. Em có thành tích học tập tốt với điểm mạnh là môn Lịch sử và Ngữ văn. Giải nhất cuộc thi là phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng, nỗ lực của Minh, cũng như sự động viên rất lớn cho các thầy cô đã bồi dưỡng cho em”, cô Vân cho hay.

K.NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.