Đẩy mạnh giáo dục bảo vệ môi trường

.

Các trường học bậc mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp. Trong đó, chú trọng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tạo nền tảng hình thành thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường.

Các bé Trường Mầm non Xanh Tuệ Đức nhặt rác dọc tuyến đường ven bờ đông sông Hàn (địa phận quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: NGỌC HÀ
Các bé Trường Mầm non Xanh Tuệ Đức nhặt rác dọc tuyến đường ven bờ đông sông Hàn (địa phận quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: NGỌC HÀ

Một sáng đầu tuần, hình ảnh học sinh mầm non nhặt rác dọc tuyến đường ven bờ đông sông Hàn (địa phận quận Ngũ Hành Sơn) tạo ấn tượng đẹp với nhiều người. Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Trái đất (22-4) của Trường Mầm non Xanh Tuệ Đức, quận Ngũ Hành Sơn. Cô Đinh Thị Thỏa, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, giáo dục lối sống xanh, ý thức bảo vệ môi trường cho các cháu được các cô đặc biệt quan tâm từ những điều bình dị chung quanh. Cụ thể, nhà trường tổ chức cho các cháu trồng cây xanh.

Triển khai hoạt động này, các cháu có khoảng 1 tháng để thực hiện dự án ươm mầm, trồng cây, chăm sóc và thu hoạch thành quả. Ngoài ra, từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng như hộp sữa, bìa carton, giấy đã sử dụng..., cô và trò cùng nhau tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và thu hút như: chậu cây, đồ chơi, trang phục tái sử dụng, phụ kiện trang trí nhằm mục đích hướng đến cho các con việc hạn chế rác thải ra bên ngoài môi trường. “Từ những điều nhỏ nhặt đó, chúng tôi mong muốn gieo vào các cháu ý thức bảo vệ môi trường, nhằm hình thành thế hệ có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian xanh”, cô Thỏa nói.

Được chọn thí điểm triển khai trường học không rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn thường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; thực hiện ngôi nhà rác thải và hướng dẫn học sinh phân loại rác tại nguồn, tái chế rác... Năm học 2023-2024, nhà trường lắp các bảng nội quy, pano chủ đề xây dựng trường học giảm rác thải nhựa với nội dung dễ đọc, dễ hiểu cùng hình ảnh minh họa trực quan, bắt mắt, thu hút học sinh trong giờ giải lao. Đồng thời, nhà trường tổ chức đổi vỏ chai nhựa, giấy carton, vỏ lon để lấy đồ dùng học tập như bút, tẩy, hình dán ngộ nghĩnh...

Hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh được đẩy mạnh nhờ sự phối hợp tích cực giữa các ngành chức năng và tổ chức về môi trường. Bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Khê cho hay, thời gian qua, phòng phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) triển khai chương trình “Trường học không rác thải nhựa”. Đến nay, có 6 trường triển khai mô hình “Trường học không rác thải nhựa” tại quận Thanh Khê gồm 4 trường cấp THCS: Phan Đình Phùng, Nguyễn Thị Minh Khai, Chu Văn An và Nguyễn Trãi, 2 trường cấp tiểu học là Lê Văn Tám và Bế Văn Đàn.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận kiểm tra công nhận “Trường học xanh” tại các trường học để nâng cao chất lượng giáo dục về môi trường cho học sinh. “Hiện nay, có 3 trường tiểu học gồm: Nguyễn Trung Trực, Trần Cao Vân, Hoa Lư đang được kiểm tra; nếu đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chuẩn và quy trình xét chọn, công nhận “Trường học xanh” do UBND thành phố ban hành, thì 100% trường tiểu học trên địa bàn quận được công nhận trường học xanh”, bà Hoàng Chinh cho biết.

Năm 2023, 4 trường tiểu học: Mai Đăng Chơn, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Hiến, Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn) tham gia thí điểm mô hình “Trường học xanh giảm thiểu rác thải” thuộc chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, 4 trường đã tổ chức được 12 sự kiện, cuộc thi về trường học xanh giảm rác, như: Dũng sĩ kế hoạch nhỏ; Rung chuông vàng - Đại sứ xanh; Cùng em thực hành xanh; sinh hoạt câu lạc bộ Vì cộng đồng xanh... Tổng lượng rác được quản lý hiệu quả tại 4 trường thí điểm gần 300 ký rác.

Bà Trần Thị Nguyên, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ngũ Hành Sơn cho biết, mô hình đã thu hút sự tham gia tích cực của các thầy cô giáo và các em học sinh. Nhiều hành động thiết thực về bảo vệ môi trường, được các em thực hiện tại nhà trường, gia đình, nơi mình sinh sống... Từ những kết quả tích cực của mô hình, quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục chỉ đạo ngành GD&ĐT quận ưu tiên lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục, trong đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% trường học triển khai phân loại rác thải tại nguồn.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.