Đến Đại học Đà Nẵng trải nghiệm học thuật và văn hóa

.

Với truyền thống gần 25 năm kinh nghiệm đào tạo quốc tế, có nhiều chương trình đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành, giảng dạy bằng tiếng Anh (bậc đại học và sau đại học), Đại học Đà Nẵng hiện có gần 1.000 lưu học sinh đến từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đang theo học, nghiên cứu.

Lưu học sinh Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tham quan, trải nghiệm, hướng nghiệp.Ảnh: HẢI ĐĂNG
Lưu học sinh Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tham quan, trải nghiệm, hướng nghiệp. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Viện Công nghệ quốc tế DNIIT (Đại học Đà Nẵng) vừa tổ chức báo cáo thực tập cho 32 sinh viên Pháp đến từ các trường, viện (Polytech CS, Polytech E, IUT info) là thành viên của Đại học Côte d’ Azur (UCA), Pháp. Đây là chương trình tiếp nhận sinh viên quốc tế thực tập tại Đại học Đà Nẵng (từ tháng 4 đến tháng 8-2024) trong khuôn khổ đề án hợp tác với UCA, qua đó giúp sinh viên thu hoạch được nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích.

Theo GS.TSKH Lê Thành Nhân, Viện trưởng Viện DNIIT, các báo cáo của sinh viên quốc tế được các giảng viên, chuyên gia hướng dẫn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, ứng dụng công nghệ 4.0 đề xuất được các giải pháp khả thi, có tính ứng dụng như: “Ứng dụng Web Hôpital K-Admin và API di động chăm sóc dinh dưỡng bệnh nhân ung thư”; “Bệnh Viện K-App cho mobile”; “Hệ thống cảnh báo và giám sát năng lượng tòa nhà”; “Hệ thống giám sát và cảnh báo lượng mưa”; “Ứng dụng dự báo dòng chảy lũ và cảnh báo thiên tai”… Để giúp lưu học sinh chương trình dự bị tiếng Việt (trước khi tiếp tục học chuyên ngành tại các trường, đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng) có thêm cơ hội tìm hiểu ngành nghề, văn hóa địa phương, trau dồi thêm tiếng Việt, Trường Đại học Sư phạm thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham quan, hướng nghiệp.

Cuối tháng 4 vừa qua, 108 lưu học sinh Lào của Trường Đại học Sư phạm có chuyến tham quan bảo tàng điêu khắc Chăm, danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ Non Nước, khu đền tháp Mỹ Sơn… Sinh viên Phommachak Sonexay (tỉnh Champasak, Lào) chia sẻ: “Em rất thích chuyến đi này. Thông qua các hoạt động trên hành trình, em biết thêm nhiều điều mới mẻ về văn hóa, lịch sử Việt Nam”. Tương tự, lưu học sinh Thatsany Phommasy (thủ đô Viêng Chăn, Lào) bày tỏ: “Đoàn được giao lưu với người dân địa phương, được thưởng thức các món ăn ngon, mới lạ. Em sẽ kể với gia đình và bạn bè về những nơi đặt chân đến trong chuyến đi này”. Các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng luôn dành những điều kiện thuận lợi để lưu học sinh yên tâm học tập, gắn bó với nhà trường như “quê hương thứ hai” của mình thông qua các sinh hoạt như: homestay, lễ hội đón năm mới, Tết cổ truyền Việt Nam, Tết truyền thống Bunpimay của Lào hay Tết Chol Chnam Thmay của Campuchia.

Mới đây, 38 sinh viên Na Uy trải qua 10 tuần học tập tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, tham gia chương trình Kulturstudier tại Bảo tàng Đà Nẵng, Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Làng của người Cơ Tu- Bhơhôồng và đô thị cổ Hội An. “Tôi rất thích và thấy gần gũi với văn hóa Việt Nam. Những người dân ở đây hiền hòa, mến khách; có nhiều phong tục đặc sắc, mới mẻ và phong cảnh tươi đẹp; được trải nghiệm cái nóng mùa hè khác biệt với quê nhà”, sinh viên Emil chia sẻ.

Theo PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, quốc tế hóa giáo dục đại học và tăng cường kết nối, thu hút sinh viên quốc tế là một trong những chiến lược để Đại học Đà Nẵng phát triển bền vững. Hy vọng từ những hoạt động này, tương lai không xa có những sự kiện lớn như Festival sinh viên quốc tế tổ chức tại Đại học Đà Nẵng để ngày càng có nhiều lưu học sinh đến đây trải nghiệm học thuật và văn hóa.

HẢI ĐĂNG

;
;
.
.
.
.
.
Du Học - Đặt Cược Cho Tương Lai Theo học ngành kỹ thuật xây dựng tại Đại học Duy Tân