Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài

.

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch giao

Hội khuyến học và hội viên các cấp huy động các nguồn lực xã hội, vận động các tổ chức, cá nhân, tăng cường hợp tác, tài trợ, hỗ trợ vì mục đích khuyến học, khuyến tài; gắn khuyến học với khuyến nghề. Trong 5 năm (2019 - 2023), số tiền trao học bổng và giải thưởng của hội khuyến học các cấp thành phố hơn 209 tỷ đồng, bình quân 32.000-37.000 đồng/người/năm. Chỉ trong năm 2023, số tiền trao học bổng gần 40 tỷ đồng, bình quân đạt 32.500 đồng/người; tuy thấp so với các năm trước nhưng vượt so với chỉ tiêu Trung ương hội đề ra đạt mức trung bình trên người dân 32.000-35.000 đồng vào năm 2026.

Hội khuyến học các cấp triển khai các giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng xã hội học tập, triển khai các mô hình học tập, tạo nền tảng xây dựng thành phố học tập. So sánh mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tại Quyết định 387 và Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030, gia đình học tập vượt 11,82%; dòng họ học tập vượt 8,57%; cộng đồng học tập vượt 13,57%; đơn vị học tập vượt 17,19%. Đối với mô hình công dân học tập, nhóm I (nông dân và lao động nông thôn) vượt 17,28%; nhóm II (công nhân và lao động tiểu thủ công) vượt 13,1%; nhóm III (cán bộ, công chức, viên chức) vượt 0,08%...

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Nguyễn Minh Hùng, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của Đảng, chính quyền, Mặt trận, các sở, ngành quản lý Nhà nước của thành phố, của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và công tác phối hợp hoạt động của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã. Các cấp hội nỗ lực tham mưu cấp ủy và chính quyền có văn bản chỉ đạo, ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình công tác của hội; từng cán bộ, hội viên tâm huyết, trách nhiệm, tích cực trong vai trò nòng cốt liên kết với các tổ chức, các lực lượng xã hội, thực hiện các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Lãnh đạo các cấp ban hành văn bản chỉ đạo kịp thời, kế hoạch phù hợp thực tiễn và tăng cường các điều kiện nhân sự, cơ chế tài chính, các thiết chế, phương tiện tổ chức hoạt động… đối với công tác khuyến học. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hiệu quả và có sức lan tỏa trên diện rộng là yếu tố quyết định nhận thức mang tính xã hội rộng lớn của mục tiêu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Tiếp tục thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, thời gian tới, Hội Khuyến học thành phố và các cấp hội tập trung xây dựng, phát triển, củng cố tổ chức hội theo hướng tăng cả về số lượng và chất lượng; đồng thời nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động; tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền triển khai các chủ trương về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tập trung chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài nhằm hỗ trợ hệ thống giáo dục, vận động xây dựng và sử dụng quỹ khuyến học các cấp hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục duy trì các giải khuyến tài của thành hội và các giải thưởng ở các quận, huyện hội, các chi hội; nâng cao chất lượng các mô hình học tập...

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, phấn đấu nâng tỷ lệ hội viên/số dân ít nhất đạt mức bình quân cả nước là 26%; nâng quỹ học bổng lên 40.000 đồng/người; ghi danh Đà Nẵng vào danh sách “Thành phố học tập toàn cầu”; phấn đấu đạt mô hình “Cộng đồng học tập” cấp phường, xã vào năm 2024; quận, huyện đạt vào quý 1-2025; thành phố đạt vào cuối năm 2026.

Hội Khuyến học thành phố đề xuất, kiến nghị các cấp quan tâm nhiệm vụ mới của khuyến học trong giai đoạn 2023-2030; tình hình nhân sự, tài chính, vị trí việc làm, điều kiện làm việc cho đội ngũ khuyến học các cấp, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao. Đồng thời, Hội Khuyến học Việt Nam tham mưu, phối hợp bộ, ban, ngành ban hành các văn bản pháp quy về cơ chế, tổ chức, nhân sự, tài chính từ Trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo các điều kiện đồng bộ, bảo đảm bộ máy hoạt động nhất quán, thông suốt và công bằng; triển khai hiệu quả Quyết định số 324/QĐ-KHVN của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về ban hành bộ tiêu chí công nhận danh hiệu Công dân học tập.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.