Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng: Học hiệu mới, tâm thế mới

.

Đại học Đà Nẵng vừa ban hành nghị quyết thành lập Trường Y Dược. Đây là dấu ấn mang tính bước ngoặt để nhà trường nâng tầm sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; góp phần xây dựng, phát triển nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Sinh viên Trường Y Dược-Đại học Đà Nẵng trong giờ thực hành.  Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Trường Y Dược-Đại học Đà Nẵng trong giờ thực hành. Ảnh: NGỌC HÀ

Qua 17 năm xây dựng và phát triển (2007-2024), đến nay, Trường Y Dược đã phát triển toàn diện với quy mô đào tạo hơn 1.300 sinh viên, học viên thuộc 5 ngành/chuyên ngành đại học chính quy gồm: Bác sĩ Y khoa, Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Dược học và Kỹ thuật Xét nghiệm y học. Bình quân mỗi năm, trường tuyển khoảng 300 chỉ tiêu có điểm xét tuyển cao, đảm bảo chất lượng đầu vào; sinh viên tốt nghiệp các ngành y, dược có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất y đức, chuyên môn và nghiệp vụ.

Giảng viên, sinh viên đạt nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) như: giải thưởng quốc gia “Quả cầu vàng” năm 2022; giải Nhất cuộc thi Sinh viên NCKH thành phố Đà Nẵng năm 2023. Chỉ tính trong 5 năm qua, trường đã công bố gần 100 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín (thuộc danh mục WoS/Scopus); tổ chức hơn 70 hội nghị, hội thảo, seminar khoa học điển hình như: hội nghị Khoa học Y sinh liên châu Á - Pan Asian lần thứ 4 năm 2018, hội trại Huấn luyện Phẫu thuật thần kinh Việt Nam năm 2022…

Hợp tác viện - trường - doanh nghiệp được Trường Y Dược chú trọng với mạng lưới ngày càng mở rộng, kết nối hợp tác với nhiều bệnh viện, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp uy tín trong nước, quốc tế như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ - sản Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện 199, Tổ chức Trái tim vì trái tim “Heart for Heart Foundation for Life” (Đức), Đại học Ludwig Maximilian (LMU, Đức), Đại học Điều dưỡng Kobe, Đại học Otamea, Bệnh viện Ota (Nhật Bản) và các đối tác khác của Hàn Quốc, Úc, Lào, Campuchia…Qua đó, có nhiều chuyên gia, giảng viên có trình độ cao, kinh nghiệm và tâm quyết từ các bệnh viện, trường đại học đối tác được Đại học Đà Nẵng bổ nhiệm chức danh chuyên môn, lãnh đạo kiêm nhiệm, tăng thêm tiềm lực đội ngũ để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH. Nhờ đó, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập, thực hành, nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế tại các cơ sở bệnh viện đối tác khi tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng, làm việc tốt. Nhiều sinh viên được tuyển chọn tiếp tục theo học thạc sĩ hay làm việc ở các cơ sở y tế uy tín trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thầy và trò Trường Y Dược luôn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, điển hình như tham gia phòng, chống Covid-19, phát thuốc chữa bệnh tại các địa phương… góp phần giảm áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực y tế.

TS.BS. Lê Viết Nho, Hiệu trưởng Trường Y Dược cho biết, nhà trường có định hướng, chiến lược phát triển toàn diện trong thời gian đến, tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý từ trường, khoa/phòng, tổ đến bộ môn; đổi mới quản trị đại học, tiếp tục đào tạo theo định hướng ứng dụng. Trường phấn đấu phát triển quy mô lên 9 ngành đào tạo đại học với khoảng 3.000 sinh viên (vào năm 2030); mở ngành đào tạo sau đại học; chú trọng đảm bảo chất lượng, kiểm định giáo dục; huy động các nguồn lực sớm thành lập Bệnh viện Đại học Y Dược để đào tạo thực hành, nghiên cứu, khám chữa bệnh và dịch vụ y tế. Đây chính là sứ mệnh đáp lại sự ủng hộ, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và cộng đồng với học hiệu mới, tâm thế mới, đóng góp tích cực nguồn nhân lực y tế phục vụ khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Du Học - Đặt Cược Cho Tương Lai Theo học ngành kỹ thuật xây dựng tại Đại học Duy Tân