Quyết định nhóm môn lựa chọn lớp 10, học sinh cần căn cứ vào nhiều yếu tố như năng lực, sở thích của bản thân, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nếu chọn đúng, học sinh sẽ phát huy thế mạnh của mình; còn chọn sai, sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng, áp lực và đôi khi không có cơ hội thay đổi vì còn liên quan đến khối lượng kiến thức phải học bù, kiểm tra, đánh giá.
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều băn khoăn
Trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh, Minh Châu băn khoăn giữa 8 nhóm môn lựa chọn được nhà trường thông báo. “Em học tốt các môn Toán, Hóa học và Anh văn, nên em rất phân vân vì có đến 6 nhóm môn có mặt môn Hóa học. Trong đó, em nghiêng về phương án chọn giữa 2 nhóm môn N1 gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, đi kèm là chuyên đề Vật lý, Hóa học, Sinh học và nhóm môn N3 gồm Vật lý, Hóa học, Địa lý, Tin học, đi kèm là chuyên đề Toán, Vật lý, Địa lý”, Châu nói.
Tương tự, Anh Khoa năm nay học lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng khá bối rối với các môn học lựa chọn. Theo kế hoạch, nhà trường đưa ra 6 nhóm môn, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học (N1); Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ thiết kế (N2); Vật lý, Hóa học, Địa lý, Tin học (N3); Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ trồng trọt (N4); Địa lý, Tin học, Vật lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật (N5); Hóa học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ trồng trọt (N6). Anh Khoa yêu thích môn Tin học nên quan tâm đến nhóm N1, N3, N4. Nếu chọn N1 em rất lo cả 4 môn khá nặng (trong đó môn Sinh học không phải sở trường); nếu chọn N3 hoặc N4 thì em không thích các môn xã hội.
Ở mặt khác, nhiều học sinh, kể cả phụ huynh chưa hiểu rõ về nội dung học của các môn như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và các tổ hợp môn có liên quan đến hai môn học này. Vì không hình dung được nội dung môn học, nên học sinh không mặn mà lựa chọn những nhóm môn lựa chọn có mặt các môn này vì chưa hình dung được những ngành nghề, lĩnh vực có thể xét tuyển sinh.
Các trường THPT đều cho mỗi học sinh lớp 10 được đăng ký 2 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên trước hết. Nếu học sinh đăng ký vượt quá số lớp dự kiến, với các lớp thiên về tự nhiên, sẽ xét điểm trung bình chung các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của lớp 9 cộng với điểm thi đầu vào chia trung bình. Với các lớp thiên về nhóm môn xã hội, sẽ cộng điểm 3 môn Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử của năm học lớp 9 cùng điểm thi đầu vào chia trung bình và lấy từ cao đến thấp.
“Lựa chọn khó khăn nên gia đình tôi phải tham khảo ý kiến từ chính những học sinh khối 11 và 12. Bởi nếu chọn không đúng thì không có cơ hội thay đổi, vì giống như đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 công lập trước đó. Vì thế, phải phụ thuộc vào sở thích và cả điểm số của con để đăng ký cho chính xác”, anh Trần Văn Minh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) có con đỗ vào lớp 10 Trường THPT Trần Phú chia sẻ.
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ |
Chủ động định hướng cho học sinh
Năm học này, Trường THPT Nguyễn Hiền xây dựng các môn tự chọn gồm: tổ hợp 1 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý); tổ hợp 2 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học), Tổ hợp 3 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Tổ hợp 4 (Vật lý, Hóa học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; tổ hợp 5 (Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học). Nhà trường có tổng số 15 lớp 10. Trong đó, đối với học sinh học ngoại ngữ là tiếng Pháp (45 học sinh), nhà trường đã họp và định hướng bố trí vào lớp 10-1, học nhóm tổ hợp 1; 14 lớp còn lại chọn 1 trong 5 tổ hợp được nhà trường xây dựng.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho hay, nhà trường xếp lớp theo nguyện vọng 1 của học sinh, nếu dư số lượng, họp ban tuyển sinh chọn từ trên xuống theo điểm trúng tuyển và tiêu chí phụ là điểm môn Toán hoặc Văn hoặc Anh văn. Những học sinh dư ra, được xếp vào các lớp theo nguyện vọng 2 của các em. Nếu thừa số lượng học sinh theo quy định, cũng xếp tương tự như trên để bảo đảm công bằng. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ mời những phụ huynh, học sinh này gặp mặt thêm một lần nữa, tư vấn, định hướng để chọn tổ hợp phù hợp với năng lực học tập và sở trường của các em cũng như nguyện vọng thi đại học sau này.
“Trước đây, học sinh lớp 12 mới tính đến chọn ngành, thi vào trường nào, nhưng bây giờ các em phải chọn ngay từ lớp 10. Do đó, phụ huynh cần cùng con định hướng, quan tâm đến năng lực của con trước. Tiếp đến là sở thích, yếu tố thị trường của ngành nghề, nguồn lực tài chính, truyền thống gia đình... Phụ huynh cần trao đổi với học sinh để đăng ký các nguyện vọng 1, 2 theo thứ tự ưu tiên làm căn cứ để nhà trường xếp lớp”, cô Minh Huệ nói.
Theo kế hoạch, Trường THPT Trần Phú xây dựng 5 nhóm môn khoa học tự nhiên và 4 nhóm môn khoa học xã hội để học sinh lựa chọn. Cô Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết, trong tư vấn học sinh và phụ huynh về nhóm môn lựa chọn, nhà trường đề nghị phụ huynh cần tham khảo thông tin các tổ hợp môn xét tuyển sinh ở website của các trường đại học. “Đây là định hướng đầu tiên vì nó liên quan đến cơ hội chọn ngành nghề tương lai của học sinh. Việc chọn nhóm môn để đăng ký theo học ở lớp 10 sẽ quyết định phần lớn đến xu hướng nghề nghiệp. Phụ huynh và học sinh ít nhất phải hình dung được sẽ phù hợp với ngành nghề gì, từ đó mới quyết định lựa chọn môn học chứ không thể chọn đại vì cơ hội thay đổi sau khi học xong lớp 10 là rất khó”, cô Thảo Nguyên phân tích.
Trong khi đó, Trường THPT Sơn Trà cũng xây dựng 4 nhóm môn khoa học tự nhiên và 3 nhóm môn khoa học xã hội để học sinh đăng ký, mỗi em có 2 nguyện vọng. Thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Các nhóm môn lựa chọn được xây dựng bảo đảm 3 điều kiện: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường; đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh. Nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh, học sinh để hướng dẫn cách lựa chọn tổ hợp; căn cứ vào thực tế đăng ký của học sinh, nhà trường sắp xếp lớp hợp lý”.
NGỌC HÀ