Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận đơn vị học tập cấp quận, huyện

.

Đánh giá, công nhận đơn vị học tập cấp quận, huyện nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập; bảo đảm cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi cho thành viên đơn vị tự học, học thường xuyên để trở thành “Công dân học tập”, góp phần xây dựng “Cộng đồng học tập”; đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT ngày 11-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá, công nhận đơn vị học tập cấp huyện, tỉnh. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26-1-2024 và bãi bỏ Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 6-8-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập. Theo Thông tư số 24, quyết định công nhận đơn vị đạt “Đơn vị học tập” cấp huyện ở 2 mức độ (mức độ 1, mức độ 2). Đối với mức độ 1 gồm 3 tiêu chí: điều kiện xây dựng “Đơn vị học tập”, kết quả học tập của thành viên trong đơn vị, tác dụng của việc xây dựng “Đơn vị học tập”.

Tiêu chí điều kiện xây dựng “Đơn vị học tập” gồm các chỉ tiêu: ban hành kế hoạch hằng năm cho thành viên trong đơn vị được học tập thường xuyên, tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch; thực hiện đầy đủ các chế độ về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành, có quy định của đơn vị; bố trí đủ kinh phí từ ngân sách Nhà nước hằng năm để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với thành viên trong đơn vị (đối với đơn vị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước); triển khai chuyển đổi số, trang bị các dụng cụ, thiết bị học tập đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập trong bối cảnh chuyển đổi số; tham gia các hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người dân.

Tiêu chí kết quả học tập của thành viên trong đơn vị gồm các chỉ tiêu: tối thiểu 90% thành viên trong đơn vị tuân thủ kỷ luật lao động, nội quy làm việc trong đơn vị, có tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và trao đổi; tối thiểu 90% thành viên trong đơn vị hoàn thành đầy đủ các chương trình học tập, bồi dưỡng theo quy định của Nhà nước hoặc của đơn vị và đoàn thể được lãnh đạo đơn vị phê duyệt; tối thiểu 90% thành viên trong đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng và tham gia thực hiện chuyển đổi số trong đơn vị; tối thiểu 50% thành viên trong đơn vị có chứng nhận hoặc chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu công việc hoặc vị trí việc làm (không bao gồm thành viên trong đơn vị là tổ chức kinh tế); tối thiểu 90% thành viên trong đơn vị đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” trở lên.

Tiêu chí tác dụng của việc xây dựng “Đơn vị học tập” gồm các chỉ tiêu: tối thiểu 90% thành viên trong đơn vị đạt danh hiệu “Công dân học tập” theo bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá, công nhận “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030; đơn vị cấp huyện thực hiện các hoạt động tạo lập môi trường học tập và chia sẻ tri thức với các đơn vị khác; đơn vị cấp huyện đạt danh hiệu thi đua từ “Tập thể lao động tiên tiến” trở lên; đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức độ chuyển đổi số của đơn vị ở “mức đáp ứng cơ bản”; đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

Tiêu chí đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện mức độ 2 cũng gồm 3 tiêu chí: điều kiện xây dựng “Đơn vị học tập”, kết quả học tập của thành viên trong đơn vị, tác dụng của việc xây dựng “Đơn vị học tập”. Trong đó, tiêu chí về điều kiện xây dựng “Đơn vị học tập” tương tự mức độ 1. Riêng tiêu chí về kết quả học tập của thành viên trong đơn vị sẽ được nâng chỉ tiêu tương ứng tăng từ 5-20% ở các chỉ tiêu.

Tiêu chí tác dụng của việc xây dựng “Đơn vị học tập” đòi hỏi chỉ tiêu ở mức cao hơn như:  tối thiểu 95% thành viên trong đơn vị đạt danh hiệu “Công dân học tập”, đối với đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp huyện tối thiểu 97% người học đạt danh hiệu “Công dân học tập”; đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức độ chuyển đổi số của đơn vị ở “mức đáp ứng tốt”... Đơn vị cấp huyện được công nhận mức độ 1 sau ít nhất 1 năm kể từ ngày ra quyết định công nhận có thể đề nghị đánh giá, công nhận nâng mức độ 2. Kết quả công nhận được bảo lưu trong thời hạn 3 năm tiếp theo năm được công nhận là “Đơn vị học tập” cấp huyện.

Hiện nay, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024-2030”. Trong kế hoạch, có giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Hội Khuyến học quận, huyện tham mưu hướng dẫn, triển khai, thực hiện xây dựng xã hội học tập theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng các mô hình học tập; triển khai bộ tiêu chí công nhận danh hiệu “Đơn vị học tập” cấp quận, huyện. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, Thông tư 24 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng hơn. Do đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện đợi hướng dẫn từ thành phố để tham mưu UBND quận, huyện triển khai bộ tiêu chí công nhận danh hiệu “Đơn vị học tập” cấp quận, huyện phù hợp tình hình địa phương.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.