Cần bảo đảm sự thống nhất, ổn định trong lựa chọn sách giáo khoa

.

Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ năm học 2024-2025, quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thực hiện ở các lớp 5, 9 và 12 có thay đổi. Có ý kiến cho rằng việc thay đổi này gây bất tiện cho chính quyền và ngành giáo dục địa phương trong công tác quản lý, điều hành. Ở góc độ chuyên môn, sự thay đổi lần này đã trả lại sự chủ động cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám trong một tiết học.  Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám trong một tiết học. Ảnh: NGỌC HÀ

5 năm 3 lần thay đổi quyền lựa chọn sách giáo khoa

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Nguyễn Minh Thành cho biết, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tiến hành ở khối lớp 1. Theo đó, việc lựa chọn sách giáo khoa do cơ sở giáo dục (nhà trường) quyết định. Vì vậy, năm 2020-2021, trên địa bàn thành phố, mỗi trường đã lựa chọn một bộ sách giáo khoa lớp 1 khác nhau, đã tạo nhiều dư luận trong phụ huynh học sinh và xã hội.

Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024 (năm thứ 2, 3, 4 thực hiện), Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiến hành ở các lớp 2,3,4 (Tiểu học); 6, 7, 8 khối THCS; 10, 11 khối THPT, Bộ GD&ĐT ban hành quy định mới quy định UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Đến năm học 2024-2025 là năm học cuối tiến hành đổi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thực hiện ở các lớp 5, 9 và 12, Bộ GD&ĐT lại ban hành thông tư mới quy định UBND thành phố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa, nhưng quyết định lựa chọn sách giáo khoa thuộc về các các trường học.

Thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố đã ban hành các quyết định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị, trường học tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Điểm khác quy định mới so với trước đó là UBND thành phố là cơ quan phê duyệt danh mục nhưng không được lựa chọn sách, mà quyền lựa chọn thuộc về các trường.

Trả lại sự chủ động cho giáo viên

Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu Nguyễn Thanh Lịch cho biết, với cách lựa chọn sách giáo khoa năm học 2024-2025 đã trả lại sự chủ động cho giáo viên trong việc lựa chọn sách theo theo nhu cầu và điều kiện thực tiễn dạy học hằng ngày của họ. “Giáo viên bộ môn chính là những người nắm rõ nhất các kiến thức cơ bản cần thiết, sát thực hằng ngày qua dạy học, tiếp xúc trực tiếp với học sinh, điều kiện dạy học cũng như năng lực, nhu cầu tiếp nhận của học sinh. Do đó, việc lựa chọn của họ bảo đảm sự chủ động hơn”, ông Lịch cho hay.

Theo ông Lịch, dù là giao quyền cho các trường lựa chọn sách giáo khoa, song cũng không nằm ngoài phạm vi 3 bộ sách cụ thể đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nằm trong tiêu chí chung do thành phố ban hành. “Nói là lựa chọn theo cách mới, nhưng dù là cấp nào lựa chọn, hoặc bộ sách nào được chọn, cơ bản vẫn thuộc khuôn khổ nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018”, ông Lịch nói.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Sơn Trà, xét về góc độ chuyên môn, việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, cơ bản chỉ thay đổi quy trình so với trước đây. Dù quy trình nào, nguyên tắc hàng đầu là phải bảo đảm chất lượng, sát thực với nhu cầu dạy và học hằng ngày của giáo viên và học sinh. Quy trình mới tạo sự chủ động cho giáo viên, song vẫn phải bảo đảm sự tập trung theo hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên. Công tác lập hội đồng, đánh giá, nhận xét quy trình lựa chọn theo từng bộ môn của nhà trường phải hết sức chặt chẽ, khách quan.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Đình Khánh Vân cho rằng, trước những thay đổi liên tục của ngành giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới, tạo tâm lý lo lắng cho cử tri là phụ huynh học sinh, HĐND thành phố đã đưa vấn đề này vào giám sát. Qua báo cáo của UBND thành phố, quy định mới lựa chọn sách giáo khoa nảy sinh những bất cập nhất định. Cụ thể, UBND thành phố quyết định danh mục sách, nhưng quyền lựa chọn thuộc về các trường học. Trong vòng 5 năm học, quy định lựa chọn sách giao khoa thay đổi đến 3 lần. Với mỗi lần thay đổi, luôn tạo tâm lý bất ổn, lo lắng cho phụ huynh học sinh. HĐNĐ thành phố đã đề nghị Sở GD&ĐT rà soát, tổng hợp trình UBND thành phố để kiến nghị lên Bộ GD&ĐT xem xét, điều chỉnh bảo đảm sự phù hợp, thống nhất và ổn định lâu dài.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.