Đến thời điểm này, các trường trên địa bàn quận Liên Chiểu đã chuẩn bị trường lớp, rà soát các điều kiện cơ sở vật chất cũng như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, sách giáo khoa mới cho giáo viên để đón học sinh quay lại trường học.
Giáo viên Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) vệ sinh lớp học để chuẩn bị đón học sinh bước vào năm học mới. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Đến cuối tháng 7, các trường trên địa bàn hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025. Công tác tuyển sinh bảo đảm 100% học sinh được đến trường. Các trường mầm non công lập tuyển sinh 109 nhóm lớp/ 3.145 trẻ, cấp tiểu học là 444 lớp/ 18.330 học sinh, cấp THCS là 284 lớp/ 12.334 học sinh. Hiện toàn quận có 59 trường mầm non, tiểu học và THCS với 43.813 học sinh.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, UBND thành phố đầu tư 51,3 tỷ đồng cho quận Liên Chiểu để xây dựng mới công trình khối phòng học và phòng chức năng; riêng UBND quận cũng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cho 7 đơn vị, trường học với tổng kinh phí 18,4 tỷ đồng. Cùng với đó, các trường đã có kế hoạch đầu tư xây mới trong năm 2025 gồm: Trường Tiểu học Hòa Hiệp - giai đoạn 1 (cơ sở 2 của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh), Trường Tiểu học Hòa Khánh Bắc, Trường Tiểu học và THCS Liên Chiểu, Trường THCS Hòa Khánh Nam, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, Trường Tiểu học Duy Tân.
Cô Bùi Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết, năm nay, nhà trường được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, bổ sung bàn ghế cho các lớp, bắt thêm camera, làm mới các bảng biểu trang trí, bảng tuyên truyền. Các thư viện mở được trang trí đẹp mắt nhằm thu hút học sinh đến đọc sách mỗi ngày. Ghế đá sân trường được thay áo mới bằng những nét vẽ và những lớp sơn từ chính đội ngũ giáo viên trẻ. Năm học 2024-2025, trường có 37 lớp/1.728 học sinh và 64 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
“Tháng 7 và 8, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn ở từng môn học và được các chuyên gia dạy cho cách không mang căng thẳng vào giờ học, gây áp lực lên học sinh. Các buổi tập huấn sách giáo khoa là dịp để giáo viên tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về sách giáo khoa mới. “Ban đầu tiếp cận với sách mới, chúng tôi cũng băn khoăn về việc sử dụng những phương pháp kỹ thuật dạy học nào để phù hợp lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý học sinh cũng như phù hợp yêu cầu cần đạt của bài học. Vì vậy, khi được cùng nhau thảo luận về cấu trúc bài học, quy trình một tiết dạy, được các tác giả viết sách trực tiếp “gỡ khó”, giáo viên đã hiểu hơn việc áp dụng những phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra phù hợp, từ đó có thể tự tin đứng lớp”, cô Tuyền chia sẻ.
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân có 50 lớp/2.043 học sinh với số lớp học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh việc nâng cấp, sữa chữa, bổ sung cơ sở vật chất chuẩn bị phục vụ cho việc triển khai năm học mới, nhà trường còn tiến hành bảo dưỡng, bảo trì, mua bổ sung sách giáo khoa, sách tham khảo đảm bảo đầy đủ, kịp thời phục vụ giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu cho biết, tới nay, công tác tuyển sinh năm học 2024-2025 đã kết thúc, bảo đảm 100% học sinh được đến trường. Để bảo đảm công tác tuyển sinh đạt kết quả như trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận chỉ đạo các trường tăng cường giải pháp thành lập tổ công tác chuyên trách về tuyển sinh trực tuyến, thực hiện công tác tuyển sinh trực tuyến và niêm yết công khai các thông tin của tổ trực để phụ huynh tiện liên hệ.
Trong tháng 7 và 8, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận phối hợp các trường tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, sách giáo khoa mới, mỗi giáo viên được bồi dưỡng cũng như khuyến khích tự bồi dưỡng, nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu tập huấn, băng hình giới thiệu môn học, băng hình tiết dạy minh họa và các tài nguyên được nhà xuất bản cung cấp, từ đó nắm bắt thêm về tinh thần của các bộ sách.
Trong thời gian tập huấn, giáo viên có cơ hội được gặp gỡ, lắng nghe các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả chia sẻ trực tiếp về quan điểm biên soạn, cấu trúc sách, cấu trúc chủ điểm, bài học, về cách thức tổ chức hiệu quả các hoạt động học được thiết kế... Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa, tài liệu học tập khi năm học mới bắt đầu.
KHÁNH HÒA