Để bảo đảm cơ sở vật chất, trường lớp trước khi đón học sinh quay trở lại trường, ngành giáo dục và đào tạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các công trình trường học; đồng thời, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học cho năm học mới 2024-2025.
Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) được đầu tư xây mới khối nhà gồm khu hiệu bộ, phòng bộ môn. Ảnh: NGỌC HÀ |
Niềm vui từ những ngôi trường mới
Chuẩn bị cho năm học mới, Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) được đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây mới dãy nhà hiệu bộ và các phòng bộ môn. Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường có 6 lớp 6, nâng tổng số lớp toàn trường lên 22 lớp (tăng 1 lớp so với năm ngoái) với hơn 800 học sinh. Tại khối nhà xây mới, có 5 phòng bộ môn được trang bị thiết bị hiện đại (72 bộ bàn ghế phù hợp phương pháp học theo nhóm). Ngoài ra, vì diện tích sân trường chật hẹp nên khi xây dựng khối nhà mới, các ngành chức năng bố trí sân bóng đá và sân bóng rổ phục vụ cho hoạt động thể thao của nhà trường ở tầng 5. Đây là ý tưởng mới đối với các trường có không gian hẹp ở trung tâm thành phố. “Đến nay, công trình đã hoàn thành. Đơn vị thi công đang hoàn thiện một số hạng mục để bàn giao nhà trường dọn dẹp, vệ sinh trước ngày khai giảng. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang kỳ vọng tạo khí thế sôi nổi trong năm học mới”, thầy Lam nói.
Tương tự, những ngày đầu tháng 8, công trình Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) đang được gấp rút hoàn thiện để bàn giao nhà trường tiến hành vệ sinh, dọn dẹp, đón năm học mới. Công trình xây mới khối phòng học và phòng chức năng nhà trường được đầu tư gần 26 tỷ đồng. Trong đó, xây mới 8 phòng học (7 phòng học, phòng 1 tin học), trang bị thiết bị, bàn ghế hiện đại… Cô Trương Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Sau khi xây thêm phòng học, nhà trường bảo đảm 100% học sinh được học 2 buổi/ngày với tổng 41 lớp (gần 1.800 học sinh). Đây là điều đáng mừng đối với nhà trường trong bối cảnh trường lớp nhiều năm qua luôn trong tình trạng quá tải; đồng thời đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới”.
Đẩy nhanh tiến độ, kịp thời phục vụ năm học mới
Năm học 2024-2025, ngoài Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, trên địa bàn quận Liên Chiểu có Trường Tiểu học Hồng Quang được xây mới khối phòng học và phòng chức năng với tổng mức đầu tư 25,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số trường được quan tâm sửa chữa nhỏ với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Cụ thể, thay cửa lớp học và phòng hiệu bộ Trường THCS Lương Thế Vinh (279 triệu đồng); làm mới khu sơ chế thực phẩm sống, làm trụ mái tôn, lót nền gạch, thay toàn bộ cửa lớp học và sơn tường tại cơ sở 1 và cơ sở 3 Trường Mầm non Hướng Dương (2,264 tỷ đồng); sơn các phòng học, phòng làm việc hiệu bộ, lát gạch sân trường, sửa chữa nhà vệ sinh, vịnh để xe Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (hơn 3,6 tỷ đồng); cải tạo sân trường và xây kho tư liệu và kho vật dụng Trường THCS Lê Anh Xuân (3,9 tỷ đồng); lát gạch sân trường, hệ thống thoát nước, sơn phòng học tường rào cổng ngõ, xây mới nhà xe, lắp mới khung bảo vệ hiệu bộ và phòng học Trường THCS Nguyễn Thái Bình (5,097 tỷ đồng)... Từ kinh phí sự nghiệp giáo dục, quận Liên Chiểu mua sắm 1.200 bộ bàn ghế phục vụ cho số lớp tăng lên trị giá 1,2 tỷ đồng và ngăn 8 phòng học mới để bảo đảm học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày 100% với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng.
Tại huyện Hòa Vang, nhiều trường học cũng được nâng cấp, sửa chữa phục vụ năm học mới từ nguồn kinh phí thành phố và nguồn xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Trường THCS Nguyễn Phú Hường được đầu tư xây dựng mới khối 9 phòng học 3 tầng, sửa chữa dãy ngang, di dời bể bơi, xây mới sân thể thao; mở rộng Trường Tiểu học số 2 Hòa Liên; sửa chữa phòng học, xây mới phòng chức năng tiếng Anh tại Trường Tiểu học Hòa Phước; sơn chống thấm tường phòng học Trường Tiểu học An Phước (khu vực Bồ Bản); xây dựng công trình phòng cháy, chữa cháy tại một số trường... “Hiện các đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành, bàn giao nhiều hạng mục để kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025; một số công trình tiếp tục được thi công nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng cao hơn, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn”, ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hòa Vang cho biết.
Theo Sở GD&ĐT, năm học vừa qua, cơ sở vật chất trường, lớp nhìn chung cơ bản bảo đảm cho việc tổ chức dạy học. Toàn thành phố có 98,3% học sinh học 2 buổi/ngày, bảo đảm 100% bàn ghế rời, thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều đơn vị có cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới; có trang thiết bị để giáo viên có thể ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong dạy học. Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận cho hay, để chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, sở chỉ đạo phòng GD&ĐT các quận, huyện, các trường THPT tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, sửa chữa phòng học và phòng chức năng phù hợp với các thiết bị dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy - học. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn cơ bản đúng kế hoạch. Sở hướng dẫn các đơn vị, trường học chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học mới; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khắc phục những khó khăn, bất cập, đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới; đồng thời, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các công trình xây dựng cơ bản, công trình trọng điểm ở các đơn vị, trường học. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2024-2025.
NGỌC HÀ