Giải pháp nào dành cho học sinh không đỗ vào lớp 10 và đại học?

.

Tại thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác, sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, hằng năm có khoảng 5.000 học sinh lớp 9 không trúng tuyển vào các trường công lập và cũng con số tương tự không đỗ vào các trường đại học theo nguyện vọng. Số lượng học sinh này thuộc đối tượng phân luồng sau THCS và THPT để vào các cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp, cao đẳng nhằm sớm vào đời lao động, sinh sống.

Để giải quyết căn bản câu chuyện phân luồng này, có lẽ trước hết cần xuất phát từ những vấn đề hết sức cơ bản của việc học tập trong xã hội hiện nay. Chúng ta đã làm quen dần với khái niệm xã hội học tập, mà trong đó học tập suốt đời là phương thức để công dân trong nhiều độ tuổi, có những hoàn cảnh sống và công việc khác nhau đều có được nhận thức, khả năng và điều kiện học tập với các mục tiêu: hiểu biết, làm việc, chung sống và tự khẳng định, hoàn thiện chính mình. Không thể có 100% học sinh tốt nghiệp đại học và trình độ cao hơn sẽ có việc làm và thu nhập theo mong đợi mà luôn có sự phân loại theo trình độ, năng lực, điều kiện và nhu cầu lao động trong một xã hội ở những thời điểm, địa điểm nhất định. Nhìn trong quan điểm đó thì việc không vào được lớp 10 công lập hay đại học không có nghĩa là các em sẽ không có tương lai tươi sáng...

Vậy những giải pháp nào giải bài toán “học suốt đời” và “phân luồng”? Ở góc độ người làm công tác khuyến học, thì những việc làm nào là cần thiết, kịp thời trước câu hỏi đặt ra?

Thứ nhất, thầy cô, các nhà quản lý xã hội, kể cả sự tham vấn của các chuyên gia tâm lý, các cán bộ làm công tác khuyến học các cấp cần giúp học sinh và phụ huynh nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về mục đích, cách thức của việc học, việc làm tương ứng với năng lực, sở thích và hoàn cảnh cụ thể mỗi cá nhân. Điều đó giúp cha mẹ và các em yên tâm, bình tĩnh chọn phương thức, trường học, ngành nghề, công việc phù hợp, nỗ lực điều chỉnh bản thân, tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc, trưởng thành, có điều kiện thì học dần lên, vươn lên... Để làm được điều này, công tác tư vấn học đường, tư vấn tâm lý và hướng nghiệp cần đội ngũ chuyên gia giỏi giúp hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý, giúp các em vượt qua áp lực học tập và cuộc sống cũng như định hướng nghề nghiệp phù hợp; thường xuyên, kiên trì tổ chức các buổi gặp gỡ giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để thảo luận và tìm ra giải pháp cho những vấn đề học sinh đang gặp phải.

Thứ hai, về chiến lược phát triển con người, chính quyền thành phố, ngành giáo dục và đào tạo phải tạo đủ điều kiện cho người học để “đầu vào” và “đầu ra” đáp ứng đầy đủ sự chọn lựa. Việc cải thiện chất lượng giảng dạy và môi trường học đường có ý nghĩa quan trọng song song với đào tạo giáo viên, nhằm nâng cao năng lực thông qua các khóa đào tạo liên tục, giúp họ có thể tạo ra một môi trường học tập tích cực, thu hút học sinh. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp các trường học, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm học sinh được học trong môi trường tốt nhất có thể. Một yếu tố quyết định nữa là chương trình giáo dục phải linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của học sinh với những hoàn cảnh khác nhau (vừa học vừa làm, học sinh gặp khó khăn trong việc chưa theo kịp chương trình chính khóa…).

Chương trình hợp tác với các tổ chức xã hội nhằm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguy cơ bỏ học, chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn cũng là giải pháp phải tính đến. Cần xây dựng hệ thống theo dõi học sinh bỏ học, nhằm phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát và hỗ trợ học sinh đến trường. Và để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học nhất thời hoặc không đủ điều kiện đến trường do khó khăn, các cấp chính quyền, hội khuyến học, các nhà hảo tâm có thể triển khai một loạt các giải pháp cụ thể như: cấp học bổng, phương tiện, sách vở cho học sinh; các cơ sở đào tạo miễn giảm hoặc nợ học phí, cung cấp sách, tài liệu, trợ cấp chi phí đồng phục, dụng cụ học tập, phương tiện đến trường... Những giải pháp này cần được thực hiện có hệ thống, đồng bộ và liên tục, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và cộng đồng để đảm bảo học sinh có thể hoàn thành việc học phổ thông, được đào tạo nghề và có việc làm để sinh sống, phát triển bản thân. Mọi giải pháp đơn lẻ, thiếu căn bản, tình thế đều không thể giải quyết một vấn đề lớn của cả xã hội hiện đại đang đặt ra trên đây.

  NGUYỄN MINH HÙNG
                          Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.