Học sinh trượt lớp 10 công lập - Cánh cửa nào cho em?

.

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập những năm gần đây, có gần 5.000 học sinh không trúng tuyển. Trong số này, khoảng một nửa học tại các trường THPT dân lập, tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên; số còn lại không biết lựa chọn thế nào, bởi độ tuổi các em còn quá nhỏ. Trong khi đó, con đường học trường nghề cũng đối mặt không ít khó khăn, trắc trở...

bdn
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ - Đồ họa: THANH HUYỀN

Bài 1: Hệ thống trường lớp không đáp ứng đủ học sinh?

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, cách đây 8 năm, số học sinh đầu cấp của thành phố chỉ khoảng 15.000 học sinh, nay bình quân mỗi khối lớp đều ở mức 22.000 em. Nếu không xây thêm trường học, đến năm học 2026-2027, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở thành phố sẽ căng thẳng không kém gì hai thành phố lớn của cả nước.

Học sinh tăng nhanh, trường lớp không đáp ứng kịp

Số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, số lượng học sinh toàn thành phố trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Riêng năm học 2023-2024, thành phố có 292.680 trẻ mầm non, học sinh, học viên. Trong đó, tổng số trẻ mầm non là 66.549 trẻ; tiểu học 106.517 học sinh; THCS 76.233 học sinh; THPT 38.061 học sinh; trung tâm giáo dục thường xuyên 5.320 học viên. Đến năm học 2024-2025, bậc THCS (ngoại trừ học sinh lớp 9 khoảng 13.300 học sinh), dự kiến số lượng xấp xỉ trên 20.000 học sinh/khối lớp (lớp 8 dự kiến 20.158 học sinh, lớp 7 dự kiến 24.107 học sinh, lớp 6 dự kiến gần 21.000 học sinh).

Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập những năm gần đây khoảng hơn 11.000 chỉ tiêu (11.044 chỉ tiêu phân bổ 22 trường THPT năm học 2022-2023, 11.432 chỉ tiêu phân bổ 22 trường THPT công lập năm học 2023-2024). Đáng chú ý, năm học 2024-2025 toàn thành phố có 11.916 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập, chiếm khoảng hơn 65% tổng số học sinh lớp 9 của các trường THCS (hơn 18.000 học sinh). Ngoài ra, 10 trường THPT ngoài công lập đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 với tổng cộng 3.326 chỉ tiêu và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên xét tuyển 792 chỉ tiêu. Vậy còn khoảng 2.200 học sinh được khuyến khích vào các trường nghề.

Toàn thành phố hiện có 393 cơ sở giáo dục; trong đó, có 197 cơ sở giáo dục mầm non (127 trường ngoài công lập); 99 trường tiểu học (2 trường ngoài công lập); 60 trường THCS (2 trường ngoài công lập); 34 trường THPT (12 trường ngoài công lập); 3 trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đề án Xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ xây dựng mạng lưới trường học đến năm 2025-2026 với quy mô 452 trường, bảo đảm cho gần 340.000 học sinh theo học. Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non là 238 trường, tiểu học 109 trường, THCS 64 trường, THPT 38 trường và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên. Như vậy, sau khi hoàn thành đề án, số lượng trường lớp tăng, quy mô trường THCS tăng 4 trường, THPT tăng 4 trường.

Tuy nhiên, tiến độ đề án vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 31-5-2024, có 71 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, tổng mức đầu tư 946,6 tỷ đồng; 35 công trình đang triển khai xây dựng, tổng mức đầu tư 804,7 tỷ đồng; có 60 công trình đã được duyệt chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư 1.824,7 tỷ đồng; có 47 công trình đang triển khai hồ sơ chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư 1.939,4 tỷ đồng. Mức vốn đầu tư cho dự án ban đầu là 4.399 tỷ đồng cho 5 năm. Sau đó, thành phố đã tăng mức đầu tư cho dự án lên 8.000 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra (sau điều chỉnh) thì chưa đạt, trong khi chỉ còn 1 năm học nữa là kết thúc đề án giai đoạn 2021-2025.

Hiện tại, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập và ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên tương ứng với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nên có muốn tăng số lượng học sinh cũng là điều khó khăn. Thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường có khoảng 800 học sinh lớp 10 (có năm 20 lớp, có năm 18 lớp theo chuẩn 45 học sinh/lớp). Do điều kiện cơ sở vật chất, quy mô trường lớp, nên có muốn hạ điểm chuẩn, tăng chỉ tiêu tuyển thêm học sinh cũng không được. Bởi vậy, những học sinh đăng ký nguyện vọng thi vào khối trường THPT công lập, khi không trúng tuyển, các em có thể học ở trường THPT dân lập, tư thục hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên hay đi học nghề.

Tương tự, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, trong năm học 2024-2025 được giao chỉ tiêu tuyển sinh 352 học sinh/8 lớp. Ông Đinh Lương Y, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 cho hay, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm hiện nay 50 người; trong đó, cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp của hệ giáo dục thường xuyên khoảng 35 - 37 giáo viên, đủ dạy các môn của chương trình giáo dục phổ thông 2018, phục vụ tốt nhất cho việc tổ chức giảng dạy văn hóa hệ giáo dục phổ thông, đặc biệt là khối lớp 10 khi được tuyển sinh vào trung tâm.

“Không biết bắt nguồn từ quy định nào, trung tâm không được giao định biên giáo viên như các trường THPT công lập khác; không được hợp đồng thỉnh giảng, chỉ được tổ chức thi tuyển 3 giáo viên ở dạng hợp đồng 111. Vì thế, trên cơ sở đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm, chúng tôi chỉ đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh được 8 lớp 10”, ông Đinh Lương Y cho biết.

Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.  Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Ảnh: NGỌC HÀ

Lựa chọn nào cho tương lai?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn thành phố hiện có 10 trường THPT ngoài công lập đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 với 3.326 học sinh/90 lớp, gồm: Trường Phổ thông Hermann Gmeiner; Trường TH, THCS và THPT FPT; Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng; Trường TH, THCS và THPT Việt Nhật; Trường Tiểu học, THCS và THPT Anh Quốc; Trường Tiểu học, THCS và THPT Sky-Line; Trường THPT Quang Trung; Trường Tiểu học, THCS và THPT Olympia; Trường THCS và THPT Hiển Nhân; Trường THPT Khai Trí. Học phí ở các trường này cũng được chia theo nhiều phân khúc khác nhau, trường thấp nhất 17-42 triệu đồng/năm, trường cao nhất với chương trình THPT song ngữ (lớp 10-12) hơn 300 triệu đồng/năm.

Với mức học phí của các trường THPT ngoài công lập, cộng thêm vị trí địa lý khá xa không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học. Chị Trần Thị Thủy (tổ 20, phường Hòa Hiệp Bắc, có con học xong lớp 9 Trường THCS Nguyễn Thái Bình) sau khi hay tin con gái thi trượt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, gia đình chị khá buồn bã, lo lắng không biết mai này tương lai cháu sẽ thế nào. “Vợ chồng tôi đều là lao động phổ thông, kinh tế khó khăn nên muốn con đỗ được vào trường công lập để đỡ nặng gánh. Trượt trường công, chúng tôi tham khảo một số trường THPT ngoài công lập nhưng mức học phí cao, lại cách xa nhà, gia đình không có điều kiện đưa đón nên đành chọn trường nghề cho cháu học. Tôi rất xót xa khi giấc mơ được trở thành nữ sinh, xúng xính trong tà áo dài của con bị gác lại. Nếu như thành phố có thêm trường THPT công lập ở Liên Chiểu thì tốt biết mấy. Qua tìm hiểu, chúng tôi xin cho cháu học hệ trung cấp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 5 gần nhà để cháu tiếp tục học văn hóa và thi tốt nghiệp THPT”, chị Thủy bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Hoa (trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), có con học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Phú Hường trượt lớp 10 công lập cũng tỏ ra lo lắng trước ngã rẽ của con mình. Chồng chị làm thợ nề, chị làm nông, tranh thủ trái vụ thì đi buôn bán ve chai hoặc theo chồng phụ việc. Nhà có 3 người con, N.P.T (vừa rớt lớp 10 THPT công lập) là con út. Vợ chồng chị mưu sinh vất vả để nuôi hai người con lớn ăn học, nên đến N.P.T thì thật sự khó khăn, không có điều kiện để lo học ở các trường THPT tư thục, điểm vào trung tâm giáo dục thường xuyên thì không đủ. “Từ ngày nó rớt lớp 10 đến nay, tôi thật sự lo lắng. Chắc kiếm trường nghề nào đó cho học tạm chứ để ở nhà thì sợ hư vì vợ chồng đi suốt”, chị Hoa lo lắng.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu, số học sinh không đỗ lớp 10 THPT công lập năm 2024-2025 là 900 em. Tuy nhiên, hiện nay hơn 600 em đi học nghề và đi học các trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên… Các em còn lại, hiện nay các trường đang rà soát và động viên phụ huynh, học sinh cho các em học nghề; địa phương giao các tổ dân phố động viên phụ huynh, học sinh.

Trong khi đó, số học sinh không đỗ lớp 10 THPT công lập tại huyện Hòa Vang là 771 học sinh. Qua các buổi đối thoại, có 676 đăng ký học nghề; 127 học sinh chưa đăng ký (trong đó xã Hòa Sơn là 40, Hòa Phước 20 và Hòa Phú 16…). Tại các buổi tiếp xúc cử tri gần đây, cử tri huyện Hòa Vang bày tỏ lo lắng khi trên địa bàn xã, huyện nói riêng, thành phố nói chung đang có hàng nghìn học sinh lớp 9 không thể theo học tiếp lớp 10 vì không có chỗ học. Cử tri cũng đặc biệt lo lắng con em mình không được học THPT sẽ dẫn đến hư hỏng, tụ tập bạn bè, tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội. Tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đầu tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến cử tri bày tỏ lo lắng trước thực trạng thiếu trường lớp, nhất là hệ thống trường THPT. Cử tri Huỳnh Sự (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bày tỏ trăn trở, hiện nay, công tác tuyển sinh đầu vào lớp 10 trường THPT công lập rất áp lực cho phụ huynh cũng như học sinh. Nguyên nhân là do trường, lớp không đủ cho nhu cầu học sinh học. Vì vậy, thành phố đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu chính sách và giải pháp thích hợp bảo đảm đủ nhu cầu, giảm áp lực đồng thời đáp ứng được sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

LÊ PHẠM - BÌNH MINH

;
;
.
.
.
.
.