Quảng bá văn hóa qua cầu nối trao đổi sinh viên

.

Từ những chương trình hợp tác quốc tế, sinh viên được trải nghiệm, giao lưu học hỏi để trở thành công dân toàn cầu. Đây còn là cơ hội để quảng bá văn hóa Đà Nẵng đến bạn bè các nước, triển khai nhiều chương trình, dự án đóng góp vào phát triển văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội của thành phố.

Đoàn sinh viên đến từ Na Uy tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Đoàn sinh viên đến từ Na Uy tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Ấn tượng với văn hóa Đà Nẵng

Mới đây, 30 sinh viên của Trường Singapore Polytechnic (Singapore) đến giao lưu, học tập với sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) theo dự án hợp tác từ hai đơn vị. Trong chương trình học tập 12 ngày, các sinh viên có 2 ngày tìm hiểu thực tế về làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và làng nghề truyền thống làm nước mắm, chế biến thủy sản (phường Mân Thái, quận Sơn Trà).

Đây là lần đầu tiên Keagan (sinh viên Trường Singapore Polytechnic) tới một làng nghề có truyền thống làm biển. Em được người dân tại đây cho tham gia sơ chế cá trong quá trình làm nước mắm, trực tiếp nếm vị mắm của làng này. “Tôi rất ấn tượng với các làng nghề tại đây. Tôi hiểu biết thêm về sự đa dạng văn hóa ở các quốc gia khác nhau và tất nhiên đây cũng là đề tài thú vị để tôi kể cho bạn bè và gia đình mình sau chuyến đi”, Keagan chia sẻ.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) phối hợp tổ chức Kulturstudier (Culture Studies) của Na Uy tổ chức khóa học ngắn hạn cho 32 sinh viên quốc tế đến từ Bắc Âu và 6 sinh viên của viện. Trong 10 tuần, sinh viên tìm hiểu văn hóa và kinh tế phát triển tại Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam). Sau chuyến học tập trải nghiệm tại Bảo tàng Đà Nẵng; làng của người Cơ tu - Bho Hoong ở Quảng Nam; phố cổ Hội An... nhiều sinh viên bày tỏ sự thích thú khi khám phá mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Elena, sinh viên đến từ Na Uy, bày tỏ: “Tại Bảo tàng Đà Nẵng, chúng tôi như được chứng kiến quá trình chiến đấu anh dũng hào hùng của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng để bảo vệ quê hương. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn bè quốc tế đến Đà Nẵng để có những cơ hội trải nghiệm thú vị này”.

Tăng cường hợp tác

TS. Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế (Trường Đại học Bách khoa) cho biết, trao đổi sinh viên được nhà trường phối hợp triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, dự án Learning Express (LEX) giữa sinh viên Trường Đại học Bách khoa với sinh viên Trường Singapore Polytechnic (SP) đã triển khai đến mùa thứ 7. Đây là mô hình giáo dục hiện đại và đáng tin cậy,  cung cấp cho sinh viên cả kiến thức và môi trường thực tế để nâng cao năng lực và thúc đẩy ý thức sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng địa phương và toàn cầu. “Chúng tôi luôn sẵn sàng mở ra những cơ hội giáo dục quốc tế, nâng tầm sinh viên tại Việt Nam, mở rộng hiểu biết về thế giới bên ngoài cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”, TS. Nguyễn Hoàng Trung Hiếu chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng)  cho rằng, trong bối cảnh, xu thế hội nhập quốc tế, tư duy “công dân toàn cầu” cần được khơi dậy, lan tỏa với tinh thần cần chủ động “ngay lúc này”, “ngay từ bây giờ” thay vì chỉ là định hướng “nên có” và không phải chờ đến “tương lai”. Những chương trình trao đổi sinh viên sẽ góp phần truyền cảm hứng để hình thành tư duy “công dân toàn cầu”.

Từ cầu nối trao đổi sinh viên, nhiều chương trình hợp tác, giải pháp được mở ra nhằm đóng góp cho môi trường giáo dục, văn hóa, xã hội của thành phố. Trong năm 2024, sinh viên Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Bách khoa và Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) có cơ hội đồng hành chuyên gia nghiên cứu của Nhật Bản trong chuyến khảo sát các đình làng tại làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Những ý tưởng được các giáo sư Nhật Bản đề xuất, phân tích giúp sinh viên tìm ra hướng bảo tồn, phát huy giá trị của làng cổ Phong Nam trên nền kiến thức về kiến trúc, xây dựng sẵn có.

Không chỉ gói gọn trong trường đại học, nhiều năm qua, Sở Ngoại vụ thành phố xúc tiến chương trình trao đổi thực tập sinh với các nước. Năm 2017, Sở Ngoại vụ và Trường Đại học tỉnh lập Nagasaki (Nhật Bản) ký kết bản ghi nhớ về hợp tác, trong đó nội dung chính là trao đổi sinh viên quốc tế. Sau đó, từ năm 2022 đến nay, Trường Đại học tỉnh lập Nagasaki tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn về dinh dưỡng và sức khỏe học đường cho các cán bộ quản lý và cấp dưỡng tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố. Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố, bà Satomi Iwashige, Phó hiệu trưởng phụ trách chiến lược và quan hệ quốc tế Trường Đại học tỉnh lập Nagasaki cho biết, trong năm 2024 tiếp tục đưa sinh viên sang thực tập tại Sở Ngoại vụ và các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng. Đồng thời, nhà trường đang triển khai vận động Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để tài trợ cho dự án khóa bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe học đường cho thành phố thực hiện một cách lâu dài, bền vững.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.