Nghiên cứu khoa học trong sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn thành phố đang ngày càng phát triển với nhiều đề tài thiết thực, có tính ứng dụng cao trong đời sống. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tiếp cận nhiều kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu độc lập và làm việc nhóm.
Tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên các trường đại học sẽ học được nhiều kỹ năng, trưởng thành hơn sau mỗi dự án. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đang trình bày dự án của nhóm. Ảnh: THU HÀ |
Nhiều đề tài được đánh giá cao về tính khả thi
Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng năm học 2023-2024 có nhiều đề tài của các nhóm sinh viên giành giải cao và được đánh giá là có tính khả thi, có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển để ứng dụng phù hợp. Nổi bật trong số đó là đề tài “Nghiên cứu thuật toán chẩn đoán đa vị trí rò rỉ trong đường ống nước và điều chỉnh áp suất đầu ra thông qua mạng 4G” của nhóm sinh viên Đoàn Văn Anh, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Tấn Quý, Phạm Thanh Vỹ, Dương Thị Thanh Hà thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, do TS. Phạm Thanh Phong hướng dẫn đã xuất sắc giành giải nhất lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ tự nhiên, khoa học y - dược.
Với đề tài này, nhóm sinh viên đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống chẩn đoán rò rỉ nước ứng dụng công nghệ 4G để khắc phục các nhược điểm phát hiện rò rỉ nước thông qua quan sát bằng mắt thường, hoặc dù máy dò siêu âm để đánh giá vị trí rò rỉ (phạm vi phát hiện nhỏ, cần nhiều thời gian). Nhóm nghiên cứu ra thuật toán để chẩn đoán vị trí rò rỉ trong đường ống dẫn để giảm lượng chất lỏng thất thoát ra bên ngoài môi trường, bằng cách sử dụng các cảm biến lưu lượng và áp suất gắn ở hai đầu của nhánh đường đống, từ đó đưa ra chính xác vị trí rò rỉ.
Theo sinh viên Dương Thị Thanh Hà, trưởng nhóm nghiên cứu, đề tài hướng đến giải quyết vấn đề thực tế, nên nhóm làm phần cứng của hệ thống theo chuẩn công nghiệp và được nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển kiến thức và kỹ năng.
Tương tự, đề tài Khám phá tác động của các lợi ích đạt được đến ý định hành vi của người dùng trợ lý giọng nói - một nghiên cứu đa văn hóa của nhóm sinh viên Lê Khả Tuyết Phương, Trần Kim Bảo Phúc, Phan Thu Ngân, Nguyễn Thị Hồng Ngọc thuộc Trường Đại học Kinh tế, do TS. Phạm Thị Bé Loan hướng dẫn cũng giành giải nhất lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đề tài nhóm nghiên cứu đi vào khám phá tác động của các lợi ích thúc đẩy ý định sử dụng trợ lý giọng nói đối với người dùng. Đặc biệt sự phát triển của trợ lý giọng nói được ứng dụng mạnh mẽ trong các dịch vụ đào tạo, chăm sóc sức khỏe, chỉ dẫn thông tin…
Những phát hiện từ nghiên cứu không chỉ cung cấp thông tin cho các nhà phát triển, công ty công nghệ mà còn là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu về hành vi người dùng, giúp phát triển các sản phẩm, dịch vụ trợ lý giọng nói phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người dùng ở các nền văn hóa khác nhau.
Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng năm 2024 có 25 đề tài tham dự xét chung khảo thuộc 2 nhóm lĩnh vực gồm khoa học kỹ thuật và công nghệ tự nhiên, khoa học y - dược (14 đề tài) và khoa học xã hội và nhân văn (11 đề tài). Theo đánh giá của các thành viên hội đồng xét giải thưởng, các đề tài dự thi năm nay có chất lượng cao; sản phẩm, kết quả nghiên cứu có tính khả thi, có thể tiếp tục phát triển để ứng dụng phù hợp, hiệu quả. Năm nay, Đại học Đà Nẵng đã xét chọn và trao 11 giải xuất sắc nhất cho các nhóm đề tài.
Bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu khoa học chuyên sâu
PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế luôn được nhà trường quan tâm, đẩy mạnh. Số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của nhà trường tăng trong các năm gần đây. Riêng năm học 2023-2024, sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của nhà trường đã đạt được nhiều thành tích cao tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế.
Theo PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh, bên cạnh việc hoàn thiện kiến thức chuyên ngành đào tạo thì việc tham gia nghiên cứu khoa học mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên, các em sẽ trưởng thành hơn sau mỗi dự án, đề tài nghiên cứu; sinh viên sẽ nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cá nhân, khả năng xử lý thông tin, đánh giá và tổng hợp, trình bày báo cáo. Đặc biệt, khuyến khích sinh viên phát triển các ý tưởng mới, sáng tạo để áp dụng kiến thức chuyên ngành vào giải quyết các vấn đề, thách thức của thực tiễn kinh doanh, như khởi sự kinh doanh (start-up), quản trị tài chính, xây dựng thương hiệu, quản trị nguồn nhân lực…
Nhà trường chú trọng đầu tư nguồn lực tốt nhất để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trong đó, thường xuyên tổ chức các khóa học ngắn hạn, tăng cường năng lực nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu cho sinh viên; nhiều sinh viên đã có công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước; trang bị phòng nghiên cứu hiện đại, hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học cập nhật của Stoxplus, World Bank, phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin…
PGS. TS. Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho rằng, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học là sân chơi bổ ích, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên. Bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong sinh viên cũng được nhà trường quan tâm và chú trọng phát triển. Nhà trường luôn hỗ trợ tối đa cho sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Trong năm học 2023-2024, trường có có 86 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, tăng 36,5% so với năm học trước, chất lượng đề tài cũng được nâng lên theo hướng thực chất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn…
Thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm có thể khởi sự kinh doanh, phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để hỗ trợ kịp thời cho sinh viên, giảng viên trong quá trình nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
THU HÀ