Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp người học phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trong đó, văn hóa học đường đóng vai trò nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục. Xác định rõ điều này, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố đặc biệt quan tâm đến xây dựng, bồi đắp văn hóa học đường, tạo môi trường lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê trao giải cho các đội đạt thành tích cao trong hội thi văn hóa học đường năm 2024. Ảnh: Khôi NGUYÊN |
Môi trường giáo dục thân thiện, an toàn
Giữa tháng 10-2024, Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê tổ chức hội thi văn hóa học đường, nhằm tạo sân chơi giao lưu và nâng cao nhận thức về văn hóa học đường cho học sinh THCS trên địa bàn. Trong hội thi này, học sinh được tham gia nhiều phần thi, từ thuyết trình, tìm hiểu kiến thức, đến giao lưu các hoạt động trải nghiệm ngoài trời, rèn luyện kỹ năng sống. Trong đó, đáng chú ý là phần thuyết trình tập trung vào các chủ đề: vai trò của văn hóa học đường trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách của học sinh; ảnh hưởng của văn hóa mạng, thế giới ảo, những cám dỗ gây hại khác đến việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh; ứng xử văn hóa giữa thầy và trò, giữa trò và trò, trong gia đình và trường học, giữa con người với môi trường sống…
Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê Lê Thị Hoàng Chinh, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học, một vấn đề cần được chú trọng, quan tâm hơn nữa đó là xây dựng văn hóa học đường. Vì thế, các trường trên địa bàn luôn chủ động lồng ghép văn hóa học đường trong các tiết học, hoạt động ngoại khóa để bồi đắp đạo đức, lối sống cho học sinh. Đồng thời, định hướng các em sống tuân thủ pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, tiến đến giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Văn hóa học đường là điều kiện quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người sống có hoài bão, lý tưởng tốt đẹp. Do đó, xây dựng văn hóa học đường phải được xem là nội dung trọng tâm nhất trong hoạt động của mỗi nhà trường. Cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) cho hay, ở độ tuổi THCS, học sinh thường có nhiều biến động về tâm sinh lý, dễ xảy ra va chạm, mâu thuẫn. Do đó, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, chi đoàn, đội luôn quan tâm, chú trọng tới công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Nhà trường đang phối hợp đội tình nguyện viên tổ chức tư vấn tâm lý, cách ứng xử cho học sinh, định kỳ 2 lần/tuần.
Các buổi tư vấn không chỉ giúp học trò hiểu rõ bản thân, mà còn học cách quản lý cảm xúc, giải quyết xung đột một cách văn minh. Ngoài ra, trường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, văn nghệ, thể thao… giúp học sinh cải thiện sức khỏe, tạo cơ hội, môi trường hoạt động tập thể để giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Trong các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, nhà trường tập trung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em phát triển một cách toàn diện.
Đề cao quy tắc ứng xử trong trường học
Tiếp cận từ góc độ thực tiễn, văn hóa học đường không phải là vấn đề cao siêu, mà là các việc làm đi liền với những nội dung, đối tượng cụ thể trong môi trường sư phạm. Trong đó, thầy cô phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo; còn học sinh phải kính trọng, lễ phép với thầy cô, chấp hành các nội quy của nhà trường.
Trong các cuộc giao ban hằng tuần, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Phú luôn quán triệt giáo viên phải chuẩn mực, ứng xử công bằng, phù hợp với học sinh; tìm hướng giải quyết các vấn đề của học sinh theo hướng nhẹ nhàng, hợp lý, hợp tình.
Cô Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, quy định rõ chuẩn mực của giáo viên, học sinh. Từ bộ quy tắc này, thầy và trò soi chiếu để nhắc nhở, răn đe bản thân để có cách ứng xử chuẩn mực. Bên cạnh đó, nhà trường luôn tăng cường nhắc nhở giáo viên, học sinh trong vấn đề văn hóa mạng, chọn lọc, tiếp nhận những thông tin tích cực, ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội. Khi có vấn đề mâu thuẫn trong nhà trường thì xử lý mềm dẻo, linh hoạt, dứt điểm, không để xảy bất bình trong tâm lý phụ huynh, học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Nguyễn Minh Thành, cùng với thực hiện nhiệm vụ năm học, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng, nâng cao văn hóa học đường. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho trẻ em, học sinh.
Cùng với đó, tăng cường công tác giáo dục kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt đoàn, đội. Mặt khác, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức trong hoạt động giảng dạy và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Tích cực đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui.
“Những giải pháp nâng cao văn hóa học đường đã tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật và ý chí khát vọng vươn lên của học sinh. Đồng thời, cung cấp cho các em tri thức nền tảng, kỹ năng thiết yếu để tự học, tự lập và hòa nhập xã hội”, ông Thành nói.
KHÔI NGUYÊN