Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) nêu nhiệm vụ “tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Đại học Đà Nẵng đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đại học Đà Nẵng đã triển khai các đề án trọng điểm như: đề án 2020 (dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020); đề án 322 (đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước), đề án 911 (nay là đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo giai đoạn 2019-2030).
Nhờ đó, đội ngũ giảng viên được đào tạo phần lớn ở các nước tiên tiến; sinh viên ra nước ngoài học tập được đánh giá cao về năng lực tiếng Anh, một phần là nhờ đầu tư của phụ huynh, một phần nhờ thay đổi nhận thức, cải thiện, nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ.
Ngay từ Đại hội Đảng bộ lần thứ III nhiệm kỳ 2015-2020, Đại học Đà Nẵng có chủ trương quyết liệt cử cán bộ, giảng viên đào tạo ở nước ngoài, nhờ đó đến nay, Đại học Đà Nẵng có tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên gần 50% (Trường Đại học Bách khoa đạt hơn 70%, gấp khoảng 2 lần bình quân chung của cả nước); phần lớn được đào tạo ở các nước tiên tiến nên vừa có chuyên môn, vừa có năng lực ngoại ngữ tốt.
Đại học Đà Nẵng tập trung chỉ đạo các trường thành viên đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; liên kết đào tạo quốc tế; khuyến khích giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh; thúc đẩy, hỗ trợ sinh viên sử dụng tài liệu, giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh; tiếp tục phát huy lợi thế mô hình đại học vùng sử dụng chung nguồn lực, giao Trường Đại học Ngoại ngữ làm nòng cốt trong đào tạo tiếng Anh, thúc đẩy Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh phát triển theo mô hình đại học quốc tế để sinh viên đạt chuẩn Khung năng lực ngoại ngữ đầu vào, đầu ra.
Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cho biết, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung cho sinh viên các trường đại học thành viên cũng như sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ học tốt ngoại ngữ thứ hai (ngoài ngoại ngữ chuyên ngành) là trọng tâm, ưu tiên trong công tác chỉ đạo, tạo sự liên thông, đồng bộ, chuyển biến tích cực.
Kết quả thể hiện rõ nét khi sinh viên Đại học Đà Nẵng liên tục đoạt các giải cao trong các cuộc thi khu vực và quốc gia, điển hình như nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Trần Ngọc Bảo Khanh, Nguyễn Phi Thuận Nhi, Phạm Lê Văn Phát, Lê Phạm Như Quỳnh và Nguyễn Đặng Mai Quỳnh) vừa xuất sắc đoạt giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với đề tài: “Exploring EFL Students’ Perceptions and Practices of Essential Survival Skills during Hazards at UD-ULFS: A Project-based Approach” (phát triển kỹ năng sinh tồn cơ bản để ứng phó với thách thức, hiểm họa như điện giật, cháy nổ, đuối nước, bão lũ thông qua truyền thông xã hội đa phương tiện). Sinh viên Đại học Đà Nẵng 3 năm liền (từ năm 2022 đến nay) đều đoạt giải nhất cuộc thi tiếng Anh toàn quốc Star Awards khu vực Đà Nẵng và Tây Nguyên, thể hiện được năng lực thuyết trình, hùng biện bằng tiếng Anh về các chủ đề xã hội, truyền tải thông điệp giáo dục, nhân văn.
Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần tạo điều kiện tháo gỡ một số “điểm nghẽn” để các trường đại học đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đơn cử như giao, ủy quyền cho các đại học được phép tổ chức các hội thảo quốc tế mà không nhất thiết phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo hay linh hoạt trong thủ tục tiếp nhận tài trợ quốc tế. Đây chính là giải pháp để khơi thông nguồn lực, phát huy lợi thế khi Đại học Đà Nẵng hằng năm chủ trì đăng cai hàng chục hội thảo, sự kiện mang tầm quốc tế. Điều này tạo môi trường phát triển năng lực tiếng Anh cho sinh viên, giảng viên, hướng đến công dân toàn cầu, cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt.
QUANG MINH