Trong hành trình xây dựng và phát triển gần 50 năm từ các trường thành viên, Đại học Đà Nẵng luôn coi trọng, phát huy nhân tố con người, trong đó giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học là vốn quý để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đại học Đà Nẵng là 1 trong 3 đại học hàng đầu Việt Nam được Chính phủ đầu tư cho tham gia dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER), qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ. Ảnh: THU HÀ |
Nhờ quyết liệt, kiên trì các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cử viên chức, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài; hoàn thiện môi trường làm việc, dạy - học, nghiên cứu , mỗi năm Đại học Đà Nẵng tăng thêm bình quân gần 100 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (GS, PGS, TS) từ các nguồn bổ nhiệm, đào tạo và tuyển dụng mới.
Hiện Đại học Đà Nẵng có gần 2.600 cán bộ, giảng viên, trong đó có 8 GS, 116 PGS, 783 TS khoa học, TS; tỷ lệ giảng viên có trình độ TS xấp xỉ 48% (so với bình quân chung của cả nước là khoảng 32%); trong đó Trường Đại học Bách khoa có tỷ lệ cao nhất (hơn 70%), Trường Đại học Sư phạm có tỷ lệ tăng mạnh nhất trong Đại học Đà Nẵng, đạt 61,32%. Năm 2024, Đại học Đà Nẵng có 19 nhà giáo được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS (1 GS và 18 PGS) và có thêm 74 TS, phần lớn được đào tạo ở các nước tiên tiến.
Theo PGS.TS. Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, cần có chính sách hỗ trợ tài chính, điều kiện làm việc đối với nhà giáo, trong đó có giảng viên các trường đại học sư phạm. Yêu cầu đối với giảng viên sư phạm phải thực sự cao, đi liền với đó cần có các chính sách đãi ngộ đặc thù, hấp dẫn để thu hút nhân tài. Thực tiễn nòng cốt trong đào tạo giáo viên phục vụ chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 cho thấy, đội ngũ giáo viên cốt cán đóng vai trò chủ lực khi Trường Đại học Sư phạm vừa là cơ sở “sản xuất” vừa làm cơ sở “bảo hành”, “bảo trì”, được đầu tư các điều kiện về nguồn lực, nhất là từ ngân sách một cách tương xứng và thường xuyên.
Đồng quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho rằng, đội ngũ giảng viên là chủ thể, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bằng cách tận dụng các nguồn học bổng như: dự án 322, 911, đề án 89 của Chính phủ, học bổng của các chính phủ và các trường đại học nước ngoài…
Nhà trường có nhiều biện pháp khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ tích cực bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên được đi đào tạo sau đại học tại các nước. Đây là nguồn lực, tiền đề vững chắc để nhà trường hoàn thành mục tiêu đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, xu thế gắn kết đào tạo và thực tiễn đáp ứng nhu cầu sử dụng trên thị trường lao động ngày càng cạnh tranh cao, Đại học Đà Nẵng khuyến khích, tạo cơ chế để thu hút, có thêm nguồn giảng viên, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, bệnh viện. Điển hình như Trường Y Dược thông qua mối quan hệ hợp tác viện - trường thường xuyên bổ nhiệm, phát huy đội ngũ y bác sĩ từ các bệnh viện của thành phố và các địa phương lân cận vừa tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập, khóa luận cho sinh viên, vừa truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích để nâng cao y đức, chuyên môn cho các thầy thuốc tương lai.
Từ các giải pháp bồi đắp, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, Đại học Đà Nẵng có 3 nhà giáo vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”; 3 nhà giáo được vinh danh nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu toàn quốc; 2 nhà giáo đoạt giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương; 3 nhà giáo đạt giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu” năm học 2023 -2024.
Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, để phát huy thế mạnh và tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới, Đại học Đà Nẵng quyết liệt thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu; tăng tỷ lệ GS, PGS, TS/giảng viên. Tập trung nguồn lực và có chính sách nổi trội, thu hút đãi ngộ, “giữ chân” các nhà khoa học đầu đàn, tiếp tục huy động các nguồn học bổng để tuyển chọn, đào tạo cán bộ, giảng viên ở nước ngoài nhằm tạo đột phá chất lượng.
THU HÀ