Nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề được các trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng quan tâm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đây cũng chính là nền tảng cốt lõi để khẳng định uy tín, đòi hỏi các trường đại học phải có các giải pháp để phù hợp với yêu cầu của xu thế mới.

Các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng chú trọng nâng cao các chương trình đào tạo, gắn với nhu cầu thị trường lao động.  Trong ảnh: Hoạt động dạy và học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng chú trọng nâng cao các chương trình đào tạo, gắn với nhu cầu thị trường lao động. TRONG ẢNH: Hoạt động dạy và học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất

Nhiều năm qua, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, thích ứng với xu thế chung. Trường Đại học Bách khoa hiện có 14 khoa với 15 chương trình đào tạo tiến sĩ, 17 chương trình đào tạo thạc sĩ và 39 chương trình đào tạo trình độ đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường khoảng 4.000 sinh viên cho các bậc đào tạo, quy mô đào tạo khoảng 16.000 sinh viên.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, năm nay nhà trường đưa vào hoạt động không gian đổi mới sáng tạo (DUT Maker Innovation Space) và Phòng thực hành thiết kế vi mạch (IC Design Lab); Phòng nghiên cứu An ninh mạng phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn và bảo mật thông tin của Khoa công nghệ thông tin... Đây là các công trình được các đối tác doanh nghiệp tài trợ nhằm tăng cường cơ sở vật chất, tiện ích phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường, cùng với các tiện ích, nhà trường nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; cải tiến chương trình đào tạo theo hướng tinh giản nội dung, phát triển năng lực người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Các chương trình học được thiết kế dựa trên các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế; tổ chức dạy học theo mô hình “học theo dự án”, giúp sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề, nghiên cứu tư duy phản biện, sáng tạo cũng như giao tiếp, làm việc nhóm. Nhờ sự chủ động, tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với các ngành đào tạo tại trường luôn cao, trung bình tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm đạt 98%.

PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế chia sẻ, trường xác định việc đào tạo nguồn nhân lực số có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Vì thế trường tập trung tích hợp công nghệ và kiến thức liên ngành vào các chương trình học, phát triển kỹ năng thực hành thông qua các dự án thực tiễn và chú trọng đào tạo theo định hướng, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên.

Từ năm 2012 đến nay, nhà trường đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu số, nâng cấp hệ thống quản lý và các trang thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Từ học kỳ 2 năm học 2023-2024, trường triển khai thêm hình thức học tập kết hợp giữa việc giảng dạy trực tiếp trên lớp và học tập trực tuyến thông qua nền tảng học Study-Arts. Cùng với đó, nhà trường xây dựng, nâng cấp hệ thống phòng thực hành, trang bị máy tính có cấu hình cao, phần mềm chuyên dụng và hệ thống mạng tốc độ cao, cho phép sinh viên thực hành các kỹ năng số liên quan đến lập trình, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.

“Trường vừa khánh thành không gian sáng tạo số (DUE-MB Digital Hub) gồm không gian học tập, hội thảo công nghệ số đa phương tiện, không gian trao đổi, không gian ngân hàng số thông minh với hạ tầng kỹ thuật băng thông rộng để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, sinh viên nhà trường”, PGS.TS. Lê Văn Huy cho biết thêm.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa trong một giờ tự học. Ảnh: THU HÀ
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa trong một giờ tự học. Ảnh: THU HÀ

Bổ sung các ngành mới theo xu thế

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học, các trường đã nhanh nhạy nắm bắt xu thế, chú trọng phát triển các chuyên ngành mới, mang tính liên ngành phù hợp với thị trường. Trước xu thế lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản lý ngày càng được số hóa, năm 2024 các chuyên ngành Kinh doanh số, Thương mại điện tử, Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh, Công nghệ tài chính, Maketing số, Tin học quản lý và hệ thống thông tin đã được Trường Đại học Kinh tế xây dựng để tuyển sinh, với tỷ lệ nhập học cao.

Tương tự, Trường Đại học Bách khoa cũng bám sát xu hướng phát triển khoa học công nghệ và yêu cầu của thị trường lao động để mở mới các chương trình đào tạo tương ứng. Trường chú trọng các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật cơ khí chuyên ngành Cơ khí hàng không, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật ô-tô, chuyên ngành Công nghệ sinh học Y dược thuộc ngành Công nghệ sinh học...

Đặc biệt, trước nhu cầu cấp thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực đóng gói - kiểm thử vi mạch bán dẫn (ATP) đang rất được thành phố quan tâm, PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết, với định hướng phát triển thành một trung tâm kết nối đào tạo nhân lực đóng gói - kiểm thử vi mạch bán dẫn, từ năm 2023 nhà trường đã triển khai các nội dung về chuẩn bị đầu tư phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn và mở ngành tuyển sinh đại học vi mạch bán dẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường lao động.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thời gian qua, Đại học Đà Nẵng thực hiện nhiều định hướng, chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đổi mới quản trị đại học; đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường kỹ năng công nghệ số trong các ngành nghề đào tạo để sinh viên tốt nghiệp thích nghi với môi trường lao động mới. Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng cũng mở rộng giao lưu quốc tế để trao đổi giảng viên, sinh viên; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.