Sinh viên nghiên cứu khoa học: Từ lý thuyết đến thực tiễn

.

Tại “Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2024” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, nhiều đề tài, ý tưởng của sinh viên có sản phẩm thử nghiệm đạt hiệu quả và được đánh giá cao về khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phục vụ đời sống trong nhiều lĩnh vực.

Nhiều đề tài của sinh viên nghiên cứu khoa học có sản phẩm ấn tượng, phù hợp thực tế. Trong ảnh: Nhóm sinh viên Đại học Duy Tân đang nghiên cứu sản phẩm. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều đề tài của sinh viên nghiên cứu khoa học có sản phẩm ấn tượng, phù hợp thực tế. TRONG ẢNH: Nhóm sinh viên Đại học Duy Tân đang nghiên cứu sản phẩm. Ảnh: VĂN HOÀNG

“Bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa và Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là một trong 36 đề tài được lọt vào vòng chung kết “Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2024”. Theo sinh viên Hồ Thị Thu Hằng, trưởng nhóm nghiên cứu đề tài, bồn chứa nước là nơi lưu giữ, cấp nước cho quá trình sinh hoạt của mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc tồn đọng cặn dưới đáy bồn, ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt là vấn đề ít được người dân chú ý. Xuất phát từ ý tưởng trên, nhóm nghiên cứu sáng tạo và thiết kế sản phẩm “Bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước”.

Bộ sản phẩm lắp đặt thiết bị hẹn giờ, cảm biến đo chất lượng nước, động cơ hút và đẩy cặn… tạo thuận tiện cho người sử dụng. Để có cơ sở đánh giá hiệu quả , nhóm đã lắp đặt và triển khai thử nghiệm tại một số hộ gia đình. Sau 3 tháng, qua quan sát trực quan, tỷ lệ hút sạch cặn bẩn đạt trên 80%. Thu Hằng cho biết, đề tài nghiên cứu được thực hiện từ tháng 7-2023 và liên tục được cải tiến để đạt hiệu quả tốt nhất.

Sản phẩm thiết kế phù hợp với các loại bồn nước. Người sử dụng có thể tiết kiệm được khoản chi phí thuê đơn vị bên ngoài và thời gian dọn dẹp; cài đặt thời gian hút cặn bẩn linh động tùy chọn theo nhu cầu của mỗi gia đình. Mặt khác, nước và cặn bẩn qua xử lý có thể được tận dụng để làm mát mái nhà, tưới cây… Bộ sản phẩm không sử dụng các thiết bị lọc nước có vật liệu lọc nên bảo đảm an toàn về nguồn nước, chất lượng nước của mỗi hộ gia đình.

Một đề tài ấn tượng khác tại cuộc thi là “Một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trà nở hoa nghệ thuật từ hoa súng xanh” của nhóm sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Đại học Duy Tân. Sinh viên Trần Phạm Hương Ly, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, trà nở hoa thảo mộc nghệ thuật là hình thức thưởng trà độc đáo, tinh tế thu hút sự quan tâm của nhiều người. Song, loại trà này chưa phổ biến và ít được sử dụng. Với mong muốn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, độc đáo, nhóm đã nghiên cứu, sử dụng hoa súng xanh làm nguyên liệu chính, bao bọc hoa hồng và hoa nhài bên trong cánh hoa.

Sở dĩ nhóm chọn hoa súng xanh bởi đây là loại hoa dễ trồng, dễ sinh trưởng và có thể sản xuất đại trà tại địa phương. Dược chất trong hoa súng cùng hoa hồng, hoa nhài được nghiên cứu chứng minh tốt cho sức khỏe, chống oxy hóa, giúp an thần và hỗ trợ giấc ngủ. Nhóm đã nghiên cứu về quy trình sấy nguyên liệu, bảo đảm về hình thức để không được biến đổi màu sắc thực tế so với ban đầu; chất lượng, độ ẩm, chất dinh dưỡng trong hoa… cùng công thức phối trộn, cân bằng các nguyên liệu đến tạo hình sản phẩm.

Được biết, nhóm đã nghiên cứu quy trình sản xuất từ tháng 5 đến 11-2023. Đến nay, sản phẩm đang trong giai đoạn cải tiến và hoàn chỉnh mẫu mã; nhóm đang hoàn thiện hồ sơ tham gia một số cuộc thi về khoa học và công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Hương Ly, sau các cuộc thi, qua sự kết nối của ban tổ chức, sản phẩm của nhóm nghiên cứu đã nhận được lời đề nghị, gợi ý về việc hợp tác trong vấn đề liên quan đến bản quyền nghiên cứu, việc phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Đây không chỉ là động lực để phát triển sản phẩm mà còn ghi nhận sự nỗ lực nghiên cứu khoa học, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên. Hiện nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, phân tích các dược chất của sản phẩm, từ đó, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Theo Sở KH&CN, “Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng” được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo của các bạn sinh viên, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp tại các trường trên địa bàn thành phố. Qua 6 năm tổ chức, có hơn 600 đề tài của sinh viên đăng ký tham gia vòng thi cấp thành phố.

Năm 2024, Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị tổ chức với các vòng loại để chọn 36 đề tài vào vòng thi cấp thành phố. Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 5 giải khuyến khích cho các đề tài thuộc lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật và công nghệ - Khoa học y dược, công nghệ sinh học, hóa học.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.