.

Xây dựng lộ trình toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tại 6 điểm cầu: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 23-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 (phê duyệt vào tháng 6-2012) phải bám sát Chiến lược phát triển nhân lực đất nước 2011-2020, Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt trước đó (tháng 7-2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam có bản Chiến lược và Quy hoạch nhằm phát huy lợi thế về nguồn  nhân lực của Việt Nam, về cơ cấu dân số vàng, để từ đó đưa đất nước phát triển nhanh hơn.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT về việc triển khai Chiến lược và Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XI đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cho thấy, tư tưởng xuyên suốt, từ quan điểm đến mục tiêu và các giải pháp, là ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục; người học là tâm điểm của chiến lược, hướng tới phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của mỗi người học, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập; phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, những giải pháp chiến lược đề ra bao gồm: đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; lấy chất lượng giáo dục làm trọng tâm; phân tầng chất lượng giáo dục, xây dựng và phát triển các chương trình, mô hình cơ sở giáo dục tiên tiến, chất lượng cao; đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm về mô hình, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi theo nhu cầu, khả năng của từng địa phương.

Chiến lược cũng xác định tập trung tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục bằng cách thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tiến hành thảo luận rộng rãi trong toàn ngành nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết để đóng góp, xây dựng lộ trình toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục. Tháng 7-2013 Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện, trình Ban cán sự Đảng Chính phủ Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dự kiến tại Hội nghị Trung ương 8 sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

(TTXVN)
 

;
.
.
.
.
.