.

Học sinh Đà Nẵng lại đoạt giải nhất thi viết thư UPU

.

Tác giả bức thư mơ làm thẩm phán

Giữa những ngày tháng tư nóng nực, sôi sục chuyện nguồn nước khô cạn, thì một sự kiện liên quan vấn đề “nước trong học đường” lại làm nức lòng ngành giáo dục địa phương. Đó là bức thư của em Đào Thụy Thùy Dương, lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng vượt lên hàng triệu bức thư của giới học trò trong cả nước giành giải nhất quốc gia Cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 42 năm 2013 (gọi tắt UPU 42) chủ đề “Em hãy viết một bức thư để nói: Tại sao nước là quý”, công bố sáng 17-4 tại Hà Nội.

Đào Thụy Thùy Dương vui mừng bên cô Hiệu trưởng Hồ Thị Bích Trâm (bên phải) và cô giáo hướng dẫn Phạm Thị Phong. 			Ảnh: TRẦN VĂN CHƯƠNG
Đào Thụy Thùy Dương vui mừng bên cô Hiệu trưởng Hồ Thị Bích Trâm (bên phải) và cô giáo hướng dẫn Phạm Thị Phong. Ảnh: TRẦN VĂN CHƯƠNG

Từ câu chuyện cổ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thùy Dương hóa thân thành Thủy Tinh - nhân vật thất bại trước Sơn Tinh trong cuộc chinh phục vua Hùng Vương thứ mười tám để lấy Mỵ Nương làm vợ, để thể hiện bức thư này. Mở đầu, Thùy Dương viết: “Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đội trời chung của ta! Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này, bởi vì, xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng”.

Không nhắc đến mối thù truyền kiếp, chuyện “cực kỳ quan trọng” bây giờ là chuyện nước - mà nhân vật Thủy Tinh là đại diện. Sau khi sơ lược sự thiên vị của vua Hùng, rồi đến con người về những ưu ái cho Sơn Tinh, Thủy Tinh quay qua trút giận: “Ta hận loài người vì họ được tiếng là thông minh mà sao lại không nhận ra được giá trị to lớn của ta? Chính ta đã làm nên mọi sự sống cho hành tinh này, điều hòa nhiệt độ làm cho khí hậu mát lành. Nếu không có ta, muôn vật cùng cỏ cây sẽ chết khô chết héo và con người không sống quá năm ngày. Tất nhiên, khi ấy mi cũng trở thành nghĩa địa”.

Sau khi ca ngợi giá trị của nước với đời sống vật chất lẫn tinh thần, với kinh tế lẫn văn hóa, với thi ca nghệ thuật… trên hành tinh này cũng như sự hủy hoại mà con người dù vô tình hay cố ý làm ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, Thủy Tinh lại tâm sự qua giọng văn và suy nghĩ của một học sinh: “Ta thấy ngày nay con người thật là dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, hủy hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: Tới năm 2035, gần nửa dân số Trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thủy Tinh ta sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật… Ta nói thật, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi mà do loài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa”.

 Bằng giọng tự sự nhẹ nhàng, lối hành văn mạch lạc cộng với những hiểu biết khoa học về nguyên nhân gây nên thiếu hụt nước trong tự nhiên, dự báo cấp thiết về giá trị của nước đối với đời sống của hành tinh, bức thư của Thùy Dương như một tác phẩm văn học chinh phục được Ban giám khảo là những nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục, nhà báo… uy tín của Trung ương để giành số điểm cao nhất; từ đó ghi thêm một thành tích mới trong lịch sử những cuộc thi UPU mà học sinh Đà Nẵng từng tham gia.
Nói về nhân vật UPU mới này của trường mình, cả cô Hiệu trưởng Hồ Thị Bích Trâm lẫn cô giáo hướng dẫn Phạm Thị Phong đều có chung nhận xét: “Đào Thụy Thùy Dương là một học sinh có cá tính mạnh mẽ, hơi lãng tử, học và chơi cái nào cũng mạnh”. Được biết, Thùy Dương còn là vận động viên bóng rổ có tố chất của trường.

Bố là kỹ sư xây dựng, mẹ học kinh tế, vậy mà Thùy Dương lại mê văn chương mới lạ. Từ năm lớp 3, em đã đoạt giải học sinh giỏi cấp trường. Điểm trung bình học kỳ 1 vừa qua cả Văn và Toán đều 9 điểm. Ước mơ của Thùy Dương là học thật giỏi để trở thành thẩm phán sau này.

Tính đến cuộc thi UPU 42, Đà Nẵng đã có 6 học sinh đoạt giải nhất quốc gia, 1 học sinh đoạt giải nhất quốc tế. Riêng Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu có 2 học sinh đoạt giải nhất là Hồ Thị Hiếu Hiền (UPU 39, nhất quốc tế và nhất quốc gia) và Đào Thụy Thùy Dương (UPU 42). Ngoài ra còn có 4 học sinh khác là Nguyễn Thị Thủy Tiên, lớp 9 Trường Thực hành sư phạm (UPU 27); Trần Thị Phượng Quỳnh, lớp 9 Trường THCS Nguyễn Khuyến (UPU 29); Võ Thị Thu Thảo, lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (UPU 32); Nguyễn Đắc Xuân Thảo, lớp 7 THCS Nguyễn Huệ (UPU 38 - nhì quốc tế).

TRẦN VĂN CHƯƠNG

;
.
.
.
.
.