.
Vòng sơ tuyển Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên

7 đội robot giành quyền tham gia Robocon toàn quốc

.

(ĐNĐT) - Sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, kịch tính và đẹp mắt, vòng sơ tuyển Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2013 đã khép lại vào chiều 6-4 với 7 đội robot xuất sắc giành quyền tham gia vòng chung kết Robocon toàn quốc.

Kịch tính, sôi động

Trong những ngày diễn ra vòng sơ tuyển Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trên khán đài của Cung Thể thao Tiên Sơn có rất nhiều tấm băng-rôn và cổ động viên của các trường cổ vũ hết mình cho các đội robot của trường mình tham gia thi đấu.

Lần lượt từng đội với những con robot thiết kế độc đáo, hoạt động linh hoạt xuất hiện và trình diễn trên sân thi đấu. Trong các lượt trận đấu của vòng đấu bảng thứ nhất, cổ động viên và khán giả truyền hình đã được chứng kiến nhiều pha trình diễn rất đẹp mắt, đầy tính công nghệ của các robot, nhất là những tình huống robot điều khiển bằng tay bắn “mầm xanh” lên “Mặt Trăng”.

Điều khá thú vị là các đội robot của Trường ĐH Duy Tân giành được đại đa số chiến thắng tuyệt đối “Hành tinh Xanh” đẹp mắt trong vòng đấu bảng thứ nhất, nhưng đội SQ-ĐH17 của Trường Sỹ quan Thông tin là đội nắm giữ kỷ lục thời gian giành chiến thắng này nhanh nhất với 1 phút 57 giây cho đến hết vòng đấu bảng thứ hai. Còn đội robot nhận được nhiều sự yêu mến và cổ vũ nhất của khán giả là đội Mekong-VLC của sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại Trường Sĩ quan Thông tin. Chuẩn uý Hinh Pothearan (Campuchia), Đội trưởng Đội Mekong-VLC cho hay: “Mê-kông là một dòng sông lớn, trong xanh, xinh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng và là biểu tượng đoàn kết, hữu nghị, sẻ chia của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, còn VLC là viết tắt tên 3 nước. Mekong-VLC quyết tâm thi đấu hết mình, quyết tâm giành nhiều chiến thắng và tiến sâu tại vòng sơ tuyển Robocon miền Trung-Tây Nguyên.”

Đội Mekong-VLC của sinh viên Campuchia và Lào thi đấu thành công tại vòng sơ tuyển Robocon khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Do đề thi Robocon năm nay khá mở nên các trận đấu đều diễn ra kịch tính, hấp dẫn và đẹp mắt.

Sự kịch tính, hấp dẫn của Robocon được đẩy lên cao trào từ vòng đấu bảng thứ hai với 24 đội robot đều là những đội mạnh, nhất là những cuộc đối đầu giữa 3 trường: ĐH Duy Tân (8 đội), Sĩ quan Thông tin (6 đội) và ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (5 đội). Bên cạnh đó, sự góp mặt của các đội robot đến từ Trường ĐH Đông Á (1 đội), CĐ Nghề Đắk Lắk (2 đội) và CĐ Công nghệ Hà Tĩnh (2 đội) với những cánh tay robot bung ra kẹp và thả cấu kiện “lá” vào các ô trống hay cơ cấu lấy “mầm xanh” độc đáo trên sàn thi đấu, càng khiến các cuộc đối đầu thêm hấp dẫn.

Nhiều chiến thắng “Hành tinh Xanh”

Nếu như các đội robot của Trường ĐH Duy Tân đều chế tạo robot điều khiển bằng tay với những cánh tay robot rất dài, lấy hết một lượt cấu kiện “lá” ở kho và sử dụng chiến thuật khá đơn giản là robot điều khiển bằng tay đặt cấu kiện “lá” trên sân thi đấu cho robot tự động lao ra nhặt lấy rồi mang đi đặt vào các ô trống và ghi điểm ở “bán cầu Bắc”, trong đó có một ô trống ở trên sân đối phương. Thì các đội của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng lại cấp “lá” cho robot tự động bằng cách điều khiển robot bằng tay đưa lá vào 4 cánh tay của robot tự động.

Tương tự, các đội của Trường Sỹ quan Thông tin lại đưa “lá” lên cao và thả xuống một lần vào khung đựng lá của robot tự động. Việc này đòi hỏi người điều khiển robot bằng tay phải tập luyện thành thục, thao tác chính xác và tâm lý thi đấu ổn định.

Về cơ cấu bắn “mầm xanh” lên “Mặt Trăng”, tuy các robot điều khiển bằng tay của Trường ĐH Duy Tân phải lấy từng “mầm xanh” một, nhưng nhờ có thanh dẫn hướng xuyên tâm “mầm xanh” và kết hợp hiệu chỉnh hướng bắn nhờ thiết bị bắn tia laser (sử dụng thiết bị bắn tia laser đồ chơi trẻ em hoặc bút bắn tia của thầy giáo khi giảng dạy bằng projector) nên đại đa số chiến thắng tuyệt đối “Hành tinh Xanh” ở cả 3 vòng đấu đều là của các đội Trường ĐH Duy Tân.

Việc trang bị thiết bị bắn tia laser để hiệu chỉnh hướng bắn và kết hợp sử dụng thanh dẫn hướng bắn xuyên tâm “mầm xanh” cũng đã giúp đội BK-VS của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng giành chiến thắng “Hành tinh Xanh” trong trận thi đấu cuối cùng của vòng 3 và giành một chiếc vé đến vòng chung kết Robocon toàn quốc một cách ngoạn mục. Trong khi đó, đội BK-PTC cùng trường lại dẫn hướng bắn nguyên cả bệ đựng “mầm xanh”, đã giành 2 chiến thắng “Hành tinh Xanh” trong buổi thi đấu cuối cùng, lập kỷ lục mới về thời gian giành chiến thắng này với 1 phút 46 giây và cũng giành một chiếc vé đến vòng chung kết Robocon toàn quốc.

13 trong tổng số 18 trận thi đấu cuối cùng của vòng sơ tuyển Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên kết thúc bằng chiến thắng “Hành tinh Xanh”.

Và thật bất ngờ, chiếc vé thứ 7 đến vòng chung kết Robocon toàn quốc lại thuộc về đội Mekong-VLC, đội được khán giả yêu mến nhất và cũng thi đấu rất xuất sắc tại vòng sơ tuyển Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chuẩn uý Ya Titseyhak (Campuchia) thành viên đội Mekong-VLC cho hay: “Được thi đấu tại vòng chung kết Robocon Việt Nam quả là bất ngờ và vui sướng. Đội mình sẽ tập trung hiệu chỉnh, nâng cao tốc độ và trang bị thêm một số thiết bị công nghệ hiện đại cho robot và tập luyện thành thục để robot hoạt động ổn định. Sắp tới đội mình sẽ lại ra Đà Nẵng thi đấu thật tốt vì tình đoàn kết, hữu nghị của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.”

PGS.TS Nguyễn Tăng Cường, Học viện Kỹ thuật Quân sự, thành viên Ban giám khảo cho hay: “Các đội còn lúng túng và mất khá nhiều thời gian cho việc nhận “mầm xanh” từ robot tự động và việc ngắm bắn lên “Mặt Trăng”. Các đội phải khắc phục việc này, đồng thời phải chú ý nâng cao tốc độ nhưng giữ được sự hoạt động ổn định của robot.”

“Còn nhớ, năm 2007, khi Việt Nam đăng cai vòng chung kết ABU Robocon khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có một đội robot của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tham gia với tư cách là nhà vô địch Robocon Việt Nam năm đó (đội BK-DC). Năm nay, Đà Nẵng là chủ nhà của vòng chung kết Robocon Việt Nam và ABU Robocon khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tôi tin và mong rằng có một đội robot của thành phố chủ nhà vô địch vòng chung kết Robocon Việt Nam và tham gia ABU Robocon khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.”

PGS.TS Nguyễn Tăng Cường

Hoàng Hiệp

;
.
.
.
.
.