Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng nếu xét tuyển 98% đỗ, thi 98% thì thi vẫn tốt hơn.
Tại Hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 31.7, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị “Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì thường kết quả tốt nghiệp rất cao, không phản ánh đúng thực chất, không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học”. Chiều ngày 1-8, lãnh đạo Bộ đã có cuộc gặp gỡ báo chí để nói rõ hơn quan điểm của Bộ trước vấn đề này.
Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cho rằng kết quả tốt nghiệp rất cao, không phản ánh đúng thực chất, không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học. (Nguồn: Internet) |
Rất cần, không thể bỏ ngay
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ông Hiển cho rằng thi tốt nghiệp là hoạt động kiểm tra đánh giá trong cả quá trình học tập của thí sinh, xác nhận trình độ, năng lực có đạt được yêu cầu tốt nghiệp THPT hay không.
Đồng thời kỳ thi này cũng động viên sự cố gắng hứng thú học tập của học sinh, cải tiến phương pháp của giáo viên, để giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy và học sau thi, cơ quan quản lý đổi mới chỉ đạo hiệu quả cho những năm sau. Muốn đạt được những mục tiêu trên, quá trình tổ chức thi phải khoa học. Mang lại hiệu quả để phục vụ tuyển sinh, phân luồng học sinh - đó cũng là yêu cầu của kì thi tốt nghiệp THPT.
Trước một số yêu cầu chưa đạt được của kỳ thi trong những năm vừa qua, sau khi có chỉ thị 33 năm 2007 về khắc phục bệnh thành tích, Bộ GD-ĐT đã và đang nghiên cứu, cải tiến kỳ thi. Một số giải pháp đã được triển khai để kỳ thi nghiêm túc, phản ánh sát thực hơn kết quả học tập của học sinh dù chưa hoàn toàn.
Ví dụ như cải tiến về ra đề để đưa ra thông tin tốt hơn, đưa ra ma trận đề, tăng phần hiểu và vận dụng kiến thức… Các biện pháp về thanh tra, chấm thẩm định, mang thiết bị nghe nhìn vào phòng thi... để kỳ thi nghiêm túc hơn.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, đây không phải việc một sớm một chiều. Không có kỳ thi riêng biệt mà phải đồng bộ với các yếu tố cơ bản nhất của chương trình giáo dục như mục tiêu, nội dung và phương pháp (thi và kiểm tra đánh giá, có lúc cho chung vào là dạy học). Ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thể dẫn đến đổi mới một cách căn bản khi chưa đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục. Có những lúc Bộ nghĩ tới phương án gộp các kỳ thi lại nhưng chưa được.
Hiện nay, hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều tương đồng về môn thi, nhưng yêu cầu và mục đích khác, lại tổ chức gần nhau, nên gây ra nhiều khó khăn, bức xúc. “Nếu bỏ một kỳ thi thì đơn giản, nhưng nếu quản lí mà cái gì chưa được thì bỏ cũng không được. Nhưng thấy bức xúc mà không giải quyết không được. Có thể giải quyết bằng cải tiến bên trong, nếu không được thì phải bỏ nhưng phải nghiên cứu kĩ chuyện này” - ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Hiển cho biết, thi tốt nghiệp THPT là khó, phức tạp, không chỉ VN mà các nước khác cũng thấy băn khoăn. Bộ GD-ĐT đang tham mưu Chính phủ trình lên TW đề án đổi mới toàn diện giáo dục, với đề án con là đổi mới chương trình SGK phổ thông sau năm 2015. “Đề án to đi trước, con đi sau, trong quá trình phê duyệt sẽ xin ý kiến chung của đề án trong đó có liên quan đến thi. Phê duyệt rồi thì sẽ tách riêng thi xin ý kiến tiếp”.
Bộ chưa thể tin tưởng mà giao kỳ thi cho địa phương
Trước những kiến nghị cho rằng Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu phương án giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương, lãnh đạo Bộ cho biết đối với kỳ thi này hiện nay Bộ chỉ làm đề thi, các công việc tổ chức, thanh kiểm tra đã giao về cho địa phương.
Sở dĩ, Bộ chưa thể yên tâm giao nốt việc làm đề cho địa phương bởi đề thi đòi hỏi phải kiểm tra học sinh được ở 3 mức độ: tư duy, kiến thức, kĩ năng. Nếu yêu cầu 50% hiểu và vận dụng, nhớ 50%, đề ra càng tốt, học sinh càng giỏi thì mức độ hiểu nâng lên. Bộ sử dụng ngân hàng câu hỏi để lựa chọn ngẫu nhiên các câu hỏi vào đề thi. “Nếu giao cho địa phương thì Bộ chưa tin họ có thể làm tốt”, ông Hiển khẳng định.
Thi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố tâm lý tự giác, trách nhiệm, xã hội không quan niệm bằng cấp, thi tuyển công chức không tính bằng cấp nhiều, năng lực thật thì thi cử nhẹ nhàng. Lúc đó do nhu cầu họ phải tự học, nhưng bằng cấp vẫn quan trọng, nếu không tổ chức thi, tính tự giác thấp thì chất lượng sẽ thấp. Theo ông Hiển, nếu xét tuyển 98% đỗ, thi 98% thì thi vẫn tốt hơn.
Mặc dù nhận định kỳ thi tốt nghiệp năm nay so với năm trước đã tốt hơn, nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn cho rằng với tình trạng nhiều địa phương có tỉ lệ đỗ cao chót vót như hiện nay thì chưa thực, nếu làm nghiêm thì hầu hết các tinh đều giảm. Tuy nhiên, đến bao giờ mới thực chất thì Bộ GDĐT cũng không trả lời được.
Theo LĐ