.

Băn khoăn cơ hội việc làm

.

(ĐNĐT) - Lựa chọn trường học và ngành học nào ở bậc Đại học (ĐH) trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển nhu cầu nguồn nhân lực sôi động hiện nay và nhất là về cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp… là những mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và học sinh (HS) trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh ĐH năm 2013.

Nhóm ngành Kinh tế: Cơ hội việc làm có khó?

Nhóm ngành này có khá nhiều sự phân vân của các phụ huynh, HS trong lựa chọn ngành học, trường học, đặc biệt là những thắc mắc về cơ hội việc làm khi ra trường có rộng mở hay không khi những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH gần đây thể hiện rõ hướng bão hoà nhân lực đối với các ngành này.

Phụ huynh em
Ông Trần Văn Ân, phụ huynh em Trần Văn Thịnh hỏi về cơ hội việc làm của ngành kinh tế du lịch.

Dự buổi tư vấn tuyển sinh thay con trai đang đi học thêm, ông Trần Văn Ân, phụ huynh em Trần Văn Thịnh (HS trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) đặt vấn đề liệu có khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế du lịch tại trường ĐH Kinh tế (ĐHKT), ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) không.

TS. Lê Văn Huy, trường ĐHKT (ĐHĐN) cho hay, liên quan đến ngành du lịch, năm nay trường có hai chuyên ngành là Quản trị kinh doanh du lịch và ngành Quản trị khách sạn. Hiện Đà Nẵng có nhiều nhà hàng, khách sạn đang hoạt động và cũng là thành phố đặt mục tiêu phát triển theo hướng du lịch nên nhu cầu nhân sự rất lớn. Sinh viên sau khi ra trường có thể làm quản lý du lịch ở địa phương hoặc làm quản lý ở các nhà hàng, khách sạn.

HS Nguyễn Thúy Hằng (trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng) thắc mắc việc đăng ký và thi cùng lúc vào hai khối A và D của ngành Maketting (ĐHKT, ĐHĐN) và nhận được câu giải đáp: Hoàn toàn được vì thời gian thi của hai khối là khác nhau, nên thi cả hai khối thì cơ hội thành công cũng sẽ nhiều hơn.

Nhóm ngành xã hội: Công tác xã hội sẽ là ngành “hot”?

Em Hồ Huyền Khánh Giang (trường THPT Phan Châu Trinh) đặt câu hỏi về cơ hội việc làm của ngành sư phạm Ngữ văn sau khi ra trường. Và PGS. TS Nguyễn Tấn Lê, ĐH Sư phạm (ĐHĐN) đã cho biết, sau khi tốt nghiệp, có thể làm giáo viên dạy ngữ văn tại các trường THPT, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng hoặc làm những công việc liên quan đến chuyên ngày. Đặc biệt, nếu tốt nghiệp loại xuất sắc thì có thể được trường giữ lại làm giảng viên của trường. Ngành này năm nay tuyển sinh 60 chỉ tiêu (bằng chỉ tiêu năm trước) và tỷ lệ chọi năm ngoái là 1 chọi 9,8 và điểm chuẩn là 16,5.

...
Đa số các ý kiến băn khoăn về khả năng tìm việc làm sau khi học xong ĐH.

Về cơ hội việc làm của ngành Công tác xã hội (CTXH) mà HS quan tâm, thành viên Ban tư vấn tuyển sinh đã đưa ra lời khuyên: đây là ngành đòi hỏi sự dấn thân, niềm đam mê và tinh thần vì cộng đồng. Nếu xác định học ngành này thì trước hết, phải tìm hiểu kỹ, xem mình có đảm bảo được nhiệt huyết với công việc này hay không. Cơ hội việc làm của ngành khá rộng như ở các tổ chức chính trị - xã hội; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội Chữ thập đỏ…

Theo Ban tư vấn đánh giá, thời gian tới, CTXH sẽ là ngành khá “hot”.

Quan tâm đến ngành công an, một nam HS muốn biết, yêu cầu về thể chất khi thi ngành quân đội và công an như thế nào. TS. Phạm Tấn Hạ, trường ĐHKHXHNV (ĐHQG TP.HCM) giải đáp: Các trường quân đội, công an yêu cầu thí sinh có lý lịch chính trị rõ ràng, không có anh, chị em vi phạm pháp luật, đạo đức bản thân tốt. Học lực ở THPT đối với nam là trung bình trở lên, nữ có học lực khá trở lên.

Tuy nhiên, thí sinh có hình xăm sẽ không đủ điều kiện để dự thi. Học sinh có thể liên hệ với Công an quận (huyện) hoặc Ban chỉ huy Quân sự quận (huyện) để được hướng dẫn cụ thể.

Nhóm ngành Kỹ thuật-Công nghệ-Sinh học-Môi trường: Lĩnh vực môi trường được quan tâm

Rất đông các HS ở khối A, B quan tâm đến nhóm ngành này. Ngoài những câu hỏi liên quan đến chuyên ngành, những câu hỏi về việc làm trong tương lai, vấn đề như việc gọi nhập ngũ ở các địa phương của các bạn nam cũng được đặt ra.

HS Nguyễn Thanh Huyền (trường THPT Phan Châu Trinh) bày tỏ ý muốn thi vào ngành Công nghệ sinh học trường ĐH Bách Khoa (ĐHĐN) nhưng không biết tìm việc làm có dễ không. Về vấn đề này, Th.S Nguyễn Văn Phòng, trường ĐH Bách Khoa (ĐHĐN) chia sẻ, phạm vi ứng dụng ngành này rất rộng, nước ta đang chú trọng xây dựng ngành công nghệ cao sinh học nên cơ hội công việc là khá rộng mở. Tuy nhiên, khả năng có việc làm tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lực học, năng lực, kinh nghiệm bản thân...

Giải thích câu hỏi của một nữ HS khác của trường THPT Phan Châu Trinh rằng: "Ngành Quản lý tài nguyên môi trường sau khi học xong sẽ làm những công việc gì, làm ở đâu?", PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: Môi trường có nhiều ngành: khoa học môi trường, kỹ thuật môi trường, tài nguyên môi trường, tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản… Sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ làm ở các Sở Tài nguyên và môi trường; các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảnh sát môi trường…

Về việc nhận được giấy báo thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi có giấy báo nhập học, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cho hay, tùy theo địa phương, nếu các địa phương không miễn thì các em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ và được bảo lưu kết quả thi. Các em sẽ tiếp tục học ngành trúng tuyển sau khi xuất ngũ.

Những băn khoăn này đã được các thành viên trong Ban tư vấn của “Chương trình Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp 2013” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Báo Tuổi Trẻ, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) giải đáp vào sáng 10-3. Buổi tư vấn đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn HS các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Có 3 khu tư vấn chuyên sâu để giải đáp và tư vấn các thắc mắc về từng nhóm ngành, từng trường… HS quan tâm đến nhóm ngành nào sẽ tham gia tư vấn ở khu vực tư vấn của nhóm ngành đó. Không khí buổi tư vấn diễn ra hết sức sôi nổi.

 Bài và ảnh: Đắc Mạnh

 

;
.
.
.
.
.