.

Thí sinh băn khoăn chọn ngành

.

Ngay từ sáng sớm 9-3, hàng nghìn học sinh THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đến tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013, do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh.

Mở đầu buổi tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 có nhiều điểm mới so với những năm trước, như lệ phí thi tăng lên, hồ sơ đăng ký dự thi có thêm phần ghi thông tin liên thông, đối tượng được xét tuyển thẳng được mở rộng…

Thí sinh đặt câu hỏi với các thành viên Ban tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp.
Thí sinh đặt câu hỏi với các thành viên Ban tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp.

Lúng túng

Thí sinh Sỹ Vân (học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh) cho biết: “Em muốn thi khối D, sức em làm bài sẽ đạt khoảng 16, 17 điểm, nhưng em thích nhiều ngành có cùng khối thi này nên rất lúng túng không biết chọn ngành nào”.

TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trước mắt em cứ tham khảo ý kiến thầy cô giáo, cha mẹ, bạn bè, nhưng quan trọng nhất em tự nhìn nhận mình thích và phù hợp với ngành nghề nào nhất, ngành nghề đó có phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình không để sau đó có quyết định.

Thảo Nguyên (học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh) cũng bày tỏ băn khoăn rằng em dự định thi khối B, nhưng vẫn chưa biết chọn ngành nào. PGS,TS Võ Tam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược - ĐH Huế, cho hay đây là câu hỏi mà các thầy cô làm công tác tư vấn thường gặp. So với khối A, chỉ tiêu tuyển sinh của khối B ít hơn. Dù vậy, khối B dự thi được nhiều ngành như công nghệ sinh học, bác sĩ, sư phạm Sinh tại nhiều trường ĐH như ở Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Vinh… “Em thích khối B thì cần tập trung ôn tập 3 môn Toán, Hóa, Sinh thật tốt để đạt kết quả trong kỳ thi”, PGS,TS Võ Tam nói.

Thí sinh Đào Nguyên Anh Trân hỏi: “Em muốn học ngành bác sĩ đa khoa hoặc ngành y tế dự phòng ở ĐH Y dược Huế. Nhưng em nghe nói ngành bác sĩ đa khoa lấy điểm cao khó đậu, còn ngành y tế dự phòng thì lại không được làm ở bệnh viện. Em rất trăn trở, không biết lựa chọn ra sao?”. Theo PGS,TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế, đây là hai ngành có điểm tuyển sinh khá cao. “Trước hết, em xem năng lực mình thế nào để lựa chọn phù hợp. Nếu em học ngành Y tế dự phòng, sau này ra trường vẫn có thể xin làm việc ở bệnh viện nào đó cũng được”, PGS,TS Lê Văn Anh tư vấn.

Không nên chọn nhiều ngành cùng lúc

Thí sinh Văn Hùng hỏi, kỳ thi tuyển sinh năm nay, em có được phép nộp nhiều hồ sơ đăng ký dự thi cùng một lúc được không? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết theo quy định, thí sinh có quyền nộp nhiều hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ, vì mỗi khối thi chỉ thi trong một đợt nên thí sinh không thể dự thi được hết cùng một lúc. Trong khi đó, ví dụ thí sinh nộp 10 bộ hồ sơ thì lệ phí cũng hơn 1 triệu đồng, nhưng chỉ dự thi được 1-2 trường là rất lãng phí.

Cũng giống như thí sinh Văn Hùng, Nguyễn Thúy Hằng (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi) nêu câu hỏi: “Em tính dự thi cùng lúc hai khối A và D vào ngành Marketing Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), liệu có được không?”. TS Giang Thị Kim Liên giải thích, đây là hai khối thi riêng được tổ chức trong hai đợt, nên thí sinh có quyền đăng ký và dự thi. Dù vậy, TS Giang Thị Kim Liên lưu ý, nếu thí sinh chọn 2 khối thi trong cùng một đợt thì chỉ dự thi được một khối mà thôi. Việc đăng ký cùng lúc nhiều hồ sơ sẽ phát sinh tình trạng thí sinh ảo, gây khó khăn cho các trường ĐH.

Cơ hội việc làm không thiếu

Ngoài những câu hỏi về thủ tục đăng ký dự thi, cách chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, vấn đề công việc làm sau khi ra trường được thí sinh khá quan tâm. Thí sinh Hoàng Quyên hỏi nếu thi ngành cử nhân tiếng Anh, sau này học thêm nghiệp vụ sư phạm thì khi ra trường, cơ hội việc làm có như những bạn học Sư phạm tiếng Anh không. TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) giải đáp: “Nếu em học ngành cử nhân tiếng Anh, đến năm thứ 4 em có thể đăng ký khóa học nghiệp vụ sư phạm do nhà trường tổ chức. Sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm của em vẫn như những sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh”.

Tại buổi tư vấn, nhiều thí sinh bày tỏ quan tâm về những ngành, nghề nào thành phố cần và điều kiện đăng ký như thế nào để tham gia chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng. TS Giang Thị Kim Liên, Phó ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, giải đáp thành phố có nhiều chính sách học bổng đào tạo ĐH, sau ĐH trong nước và nước ngoài ưu tiên các khối ngành kinh tế, khoa học môi trường, y dược, CNTT. Đầu tiên các em muốn dự tuyển là phải có kết quả học tập tốt, đoạt một trong các giải thưởng ở kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế, thủ khoa ĐH… Ngoài ra, yếu tố quan trọng nữa là các em phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Sau khi tham gia đề án về phục vụ cho thành phố có thời hạn theo quy định. Để nắm rõ thêm thông tin, phụ huynh và học sinh liên hệ thêm Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng.

Ngoài ra, TS Giang Thị Kim Liên cho biết thêm, ĐH Đà Nẵng cũng có các chính sách đãi ngộ đối với thí sinh giỏi. Cụ thể, thí sinh dự thi vào các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đạt 3 môn từ 27 điểm trở lên (chưa nhân hệ số và tính điểm ưu tiên) sẽ được miễn học phí và tiền ký túc xá năm học thứ nhất; được cấp học bổng năm học thứ nhất; được chọn ngành học theo nguyện vọng trong cùng khối thi. Những năm tiếp theo, thí sinh có kết quả học tập đạt loại giỏi sẽ tiếp tục hưởng các chính sách ưu tiên này.

Hôm nay (11-3), bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi

Theo lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 của Bộ GD-ĐT, từ ngày 11-3 đến hết ngày 11-4, các trường THPT nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Riêng thí sinh tự do, nộp hồ sơ và lệ phí ĐKDT tại các Sở GD-ĐT. Các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ và lệ phí ĐKDT từ ngày 12-4 đến hết ngày 19-4.

Lịch thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay chia 3 đợt: đợt 1 thi ĐH khối A, A1, V từ ngày 4-7 đến ngày 5-7; đợt 2 thi khối B, C, D, N, H, T, R, M, K từ ngày 9-7 đến ngày 10-7; đợt 3 thi CĐ ngày 15 và 16-7. Từ ngày 15-8, các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển cho các Sở GD-ĐT để các sở gửi cho thí sinh. Các trường còn chỉ tiêu thông báo xét tuyển các nguyện vọng bổ sung từ ngày 20-8 đến hết ngày 31-10.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN
 

;
.
.
.
.
.