.

Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp có nguy cơ bị "xóa sổ"

.

ĐNĐT - Do không thể tuyển được số lượng học sinh theo yêu cầu cần thiết để hoạt động,  một số trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn Đà Nẵng đang trong tình cảnh "lay lắt sống". Có trường đã phải tạm dừng hoạt động, số khác cũng ngừng tuyển sinh nên nguy cơ "xóa sổ" những trường này đang rất gần. Trong khi đó, một số trường cao đẳng cũng chung tình trạng này.

Lớp học đìu hiu

Từ hơn 1 năm qua, dãy nhà khang trang của Trường Trung cấp (TC) Kinh tế - kỹ thuật Miền Trung (tọa lạc tại số 130 Nguyễn Tư Giản, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) luôn trong tình trạng vắng vẻ. Nếu không có dòng tên trường khá to trên tầng cao nhất, khó ai biết được đây là một trường TC. Khung cảnh đìu hiu, không bóng dáng học sinh, duy nhất chỉ có một ông bảo vệ lớn tuổi, mái tóc đã bạc trắng trông nom.

khb
Trường TC Miền Trung đã bỏ hoang hơn 1 năm nay do không tuyển được học sinh.

“Trường giờ không có ai ở đây nữa. Hiện giờ chỉ có tôi và một ông nữa được họ thuê làm bảo vệ trông coi ở đây hơn 1 năm nay rồi. Lương chẳng được bao nhiêu nhưng gần nhà nên qua làm cho vui. Thi thoảng lắm mới có công ty thuê một vài ngày làm địa điểm để tổ chức mấy chương trình nhỏ nhỏ”, ông bảo vệ chia sẻ và cho biết thêm, hiện khu đất của trường đang được rao bán nhưng chưa được giá nên vẫn phải chờ đợi.

Sau khi có được số điện thoại từ ông bảo vệ, chúng tôi liên lạc với một phụ nữ tên Lan - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Khi biết chúng tôi nắm thông tin về trường, bà Lan buồn bã nói: “Thực ra, chị không biết phải nói gì và cũng chẳng muốn đề cập đến việc này nữa (nhà trường đã phải tạm dừng tuyển sinh - PV). Kỳ tuyển sinh năm 2013, trường không tuyển được học sinh nên phải đóng cửa thôi”.

Tại Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh (địa chỉ tại K195 đường Cách mạng Tháng 8, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), khung cảnh đìu hiu không kém. Cả dãy nhà 4 tầng khang trang với tổng diện tích xây dựng hơn 2.500m2 nằm im ắng. Khu vực phía cổng sau đã được khóa kín cả năm nay. Còn cổng vào phía đối diện thì được hé một khoảng nhỏ chỉ vừa lối cho một chiếc xe máy đi qua. Ngày đầu tuần của tháng 3 nhưng tại đây không thấy bóng dáng học sinh mà chỉ có hai thầy cô đến để trông coi tài sản của trường. Dạo một lượt qua 12 phòng học, phòng máy và cả các phòng thực hành, chúng tôi nhận thấy, tất cả đều được đầu tư đầy đủ trang thiết bị nhưng không có người học nên đóng cửa im ỉm, mạng nhện giăng quanh phòng.

Theo ông Trần Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, các lớp dạy nghề trước đó đều đã hoàn thành khóa học. Chỉ còn một lớp học nghề của khóa tuyển sinh cuối cùng trong năm 2011 có khoảng 30 em thì hiện các em đang đi thực tập nên không đến trường. Còn từ khóa 2013 thì lèo tèo vài bộ hồ sơ nên nhà trường đã phải xin dừng tuyển sinh. “Thời trước kia, trường có thể tuyển cả ngàn chỉ tiêu hệ THPT là đơn giản nhưng rồi sau cứ lùi dần, rớt dần xuống còn khoảng 100 hồ sơ và năm 2011 chỉ có được gần 50 bộ hồ sơ nên nhà trường phải báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố xin dừng tuyển sinh. Nói thực là chúng tôi hết sức đau lòng”, ông Ngọc Anh buồn bã chia sẻ.

Không chỉ các trường TCCN mới trong tình trạng “lay lắt” mà một số trường cao đẳng (CĐ) trên địa bàn Đà Nẵng cũng trong thảm cảnh tương tự.

Theo ông Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí Đà Nẵng cho hay, quy mô phòng ốc của trường đào tạo hơn 2.000 sinh viên (SV) nhưng sắp tới hơn 300 em ra trường, còn lại gần 600 SV nên hiện rất nhiều phòng học phải khóa cửa để không. “Như năm vừa qua, trường tuyển gần 1.000 chỉ tiêu cho 9 ngành học nhưng chỉ tuyển được hơn 200 cả hệ CĐ và TC. Nhiều ngành vốn được coi là "hot” như tài chính - ngân hàng, kế toán, công nghệ sinh học…cũng tuyển không được SV, nói sao không khó khăn”, ông Hùng bày tỏ.

Tâm lý quá chuộng bằng cấp

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2013, do tuyển sinh không được nên các trường này gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Hiện Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Việt - Á (Đà Nẵng) đã xin tạm ngừng hoạt động; Trường TC Kinh tế - kỹ thuật Miền Trung và Trường TC Kinh tế - kỹ thuật Đức Minh cũng đã phải tạm dừng tuyển sinh. Còn một số trường CĐ như: Đức Trí, Đông Du, Việt Tiến… cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh nên đang hết sức chật vật để duy trì hoạt động.

Trường TC Đức Minh cũng phải bỏ hoang cả hơn năm rồi do không thể tuyển sinh được.
Trường TC Đức Minh cũng phải bỏ hoang cả hơn năm do không thể tuyển sinh được.

Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này, theo nhận định của hầu hết đại diện nêu trên là do tâm lý quá chuộng bằng cấp của số đông người Việt, mà thực tế này khó có thể thay đổi một sớm, một chiều.

“Nhiều phụ huynh nhiều khi không đánh giá đúng sức học của con em mình nên cứ muốn con em sau khi tốt nghiệp THPT là phải vào cho được đại học. Một xã hội quá chuộng bằng cấp, vậy nên hệ TC dù có chuyên nghiệp đi chăng nữa thì cũng không mấy ai muốn vào”, ông Ngọc Anh phân tích.

Ông Dũng cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, vấn đề tâm lý rất quan trọng đối với việc chọn trường của các em học sinh. Họ sẽ cố gắng để vào CĐ hơn trường TC và kể cả học TC thì họ cũng muốn học hệ này trong trường CĐ nên nhiều trường TCCN phải sống lay lắt là dễ hiểu. Ngoài ra, do đầu ra tìm việc làm rất khó khăn nên học sinh không mặn mà với trường TC.

Còn theo ông Hùng phân tích, ngoài yếu tố khách quan là sự khó khăn do kinh tế suy thoái, còn phải kể đến “đòn” quyết định là Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT khiến cho các trường CĐ, TCCN lao đao. Khi không thể tìm được cơ hội vào ĐH, các em mới học CĐ, TCCN để sau đó sẽ tiếp tục học liên thông lên, kiếm tấm bằng “kha khá” hơn cho dễ xin việc. “Nay họ (Bộ GD&ĐT) ra thông tư ra như vậy khiến các em muốn liên thông phải học văn hóa và thi kỳ thi chung của Bộ thì quá khó cho người học”, ông Hùng nói.

Vậy, cách nào để cứu các trường CĐ, TCCN? “Không cách nào khác ngoài việc chú trọng chất lượng đào tạo và có sự gắn kết giữa các trường với đơn vị sử dụng lao động để làm căn cứ đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng. Bởi hiện nay, xã hội đang “thừa thầy, thiếu thợ”. Có nhan nhản SV đại học ra trường còn đang thất nghiệp, đó là thực trạng rất đáng buồn”, ông Ngọc Anh chia sẻ.

Còn ông Hùng cũng đồng tình quan điểm này và cho biết thêm, cơ quan chức năng nên chăng cần siết chặt và đánh giá đầu ra của học sinh, SV đúng năng lực, đồng thời cần coi lại cách dự báo nhu cầu nhân lực chứ không thể để sai số quá lớn so với thực tế như hiện nay. Và điều quan trọng nữa, đó là người học hãy tự lượng sức mình để chọn một cấp học phù hợp chứ đừng quá trọng bằng cấp như đã thấy.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.