.
Bảng quảng cáo ngoài trời tại Đà Nẵng:

Hiểm họa treo trên đầu!

.

Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng từng bước quy hoạch quảng cáo ngoài trời, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về trật tự mỹ quan đô thị…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại tình trạng các doanh nghiệp xây dựng bảng quảng cáo sai quy định hoặc “lách luật” để phù hợp với quy định của UBND thành phố… dẫn đến hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đua nhau… leo cao!

Phía sau bảng quảng cáo trên tầng 4 số nhà 183 Hoàng Diệu.


Dọc tuyến đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ ra vào phía Tây Bắc trung tâm thành phố Đà Nẵng, hàng chục bảng quảng cáo (BQC) cao sừng sững chiếm giữ các vị trí đắc địa, thu hút tầm mắt của người đi đường. Vào sâu trung tâm thành phố, mặt tiền của các ngôi nhà có vị trí đẹp trên các tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu, Lê Duẩn, Hùng Vương… đều bị những BQC che chắn trên cao.

Từ khi Quyết định số 101/2006/QĐ-UBND ngày 6-11-2006 của UBND thành phố Đà Nẵng về hoạt động quảng cáo và viết, đặt biển hiệu có hiệu lực, các doanh nghiệp quảng cáo thi nhau “điều chỉnh” cho phù hợp với quy định này bằng cách nâng tầng của những ngôi nhà này lên mà không nghĩ đến chất lượng công trình họ đang làm sẽ gây nguy hiểm đến những người dân sống chung quanh và ngay trong những ngôi nhà đó. Tại nhà số 183 Hoàng Diệu, trước đây chỉ có 4 tầng, theo Quyết định 101 của UBND thành phố thì BQC phải ốp vào mặt tường bên, chiều cao của bảng không được nhô lên quá sàn mái 1,5 mét. Để bảo đảm độ cao thu hút sự chú ý của mọi người nhằm phát huy hiệu quả quảng cáo và phù hợp với quy định, ngôi nhà này vừa mới “đội” lên thêm một tầng nữa.

Bảng quảng cáo nằm trên nóc nhà số 187 Hoàng Diệu


Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các doanh nghiệp quảng cáo hoặc chủ nhà không quan tâm đến chất lượng công trình mà xây dựng, che chắn hết sức tạm bợ. Theo quan sát của chúng tôi, tầng vừa xây thêm này chỉ được xây tường 10, trên không lợp mái, chỉ chống đỡ bằng những khung sắt, sau đó gắn tấm BQC cỡ lớn lên là xong. Với độ cao đó và cách xây dựng như vậy đã tạo nên một “họng hút gió” rất lớn và nguy cơ gây tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tương tự như vậy, các BQC Sanyo trên nóc nhà số 183 Hoàng Diệu, ViBank trên tầng 6 số nhà 189-191 Nguyễn Văn Linh, OIDD trên nóc nhà số 250 Lê Duẩn, Nhôm Tung Kuang trên nóc nhà 342-344 Điện Biên Phủ… ngự trên vách tường hoặc trên sân thượng các tòa nhà cao ngất ngưởng.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Điểm b, Điều 6 Quyết định số 101/2006/QĐ-UBND ngày 6-11-2006 của UBND thành phố Đà Nẵng quy định: BQC có diện tích từ 20m2 đến 100m2 đặt tại các công trình, nhà ở trong thành phố phải tuân thủ các quy định như sau: “BQC không được đặt tại mặt tiền nhà. Đối với công trình, nhà ở 4 tầng trở xuống, bảng phải ốp vào mặt tường bên, chiều cao của bảng không được nhô lên quá sàn mái 1,5 mét. Đối với công trình, nhà ở 5 tầng trở lên thì phải ốp toàn bộ bảng vào mặt tường bên”.

Nếu chiếu theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng thì không ít BQC hiện hữu phải bị tháo dỡ. Thế nhưng, những BQC này vẫn cứ tồn tại. Mùa mưa bão cũng đã kề cận, có phải để “mất bò mới lo làm chuồng”? Câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý quảng cáo của Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Vĩnh Khang

;
.
.
.
.
.