* Trong các đình làng xưa thường có một giá để các loại binh khí, gọi là “bộ Lỗ”. Xin cho biết các loại binh khí này gồm những gì? Ý nghĩa ra sao? (Trịnh Sơn Hải, Phòng VHTT huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).
- Viết đúng là Lỗ bạ, đọc trại thành Lỗ bộ, dân gian gọi là bộ Lỗ. Đó là một nhóm đồ binh khí thời xưa cắm vào giá để trần thiết nơi cửa quan, hay ở các đền miếu, chùa đình, làm đồ nghi trượng, tăng vẻ uy nghiêm và long trọng.
Đồ Lỗ bạ không giống nhau, thay đổi tùy theo từng làng, xã hay đình, miếu. Thường thì gồm các món: 2 thanh mác trường, 2 ngọn cờ tiết mao, 2 dùi đồng, 2 phủ (búa) việt, 2 biển “Tĩnh túc” và “Hồi tị”. Có nơi gồm: 2 tay văn và tay võ, 2 phủ việt, 4 gươm trường, 2 biển “Tĩnh túc” và “Hồi tị”. Có nơi gồm: 2 cờ tiết mao, 1 bán nguyệt, 1 xà mâu, 2 long đao, 1 tứ nhĩ và 1 đinh ba.
Đội nghi trượng cầm các loại binh khí trong bộ Lỗ ở Hội làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: V.T. LÊ) |
“Tĩnh túc” là yên lặng, cung kính. “Hồi tị” là tránh ra xa. Theo tục lệ xưa, khi ra quân, những người có tang, hoặc tàn tật, đều phải tránh xa. Đám rước là biểu tượng sự hành quân, nên có biển “Hồi tị”, để những người ấy tránh ra xa.
Tay văn: Tay cầm bút. Tay vũ: quả đấm. Hai tay văn, võ là ý nói vị Thần linh và các bộ hạ của Thần linh đều có tài kiêm văn võ.
Tiết mao là hai lá cờ tượng trưng chức sắc của vị Tôn thần. Tiết là cờ của vua trao cho làm tin, mao là cờ kết bằng lông mao, biểu hiện ân điển của vua. Ở nơi thờ Thần có sắc phong của vua, hai lá cờ tiết mao trong đồ Lỗ bạ là để nêu lên uy đức của vị Thần. Tương truyền, cờ mao và búa việt là hai vật binh quyền của Hiên Viên Huỳnh Đế ban cho chư hầu để thể hiện quyền chinh phạt: Đáng phạt thì phát cờ mao, đáng giết thì ban búa việt. Cờ mao màu hồng, trên lá cờ có đề bốn chữ “Mao trừ loạn tặc”, búa việt có khắc bốn chữ trên lưỡi “Việt sát phản thần”.
* Xin quý báo giới thiệu một cách chuyển đổi từ năm dương lịch sang âm lịch đơn giản, dễ hiểu nhất. (Nguyễn Vũ, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Có nhiều cách để chuyển đổi từ năm dương lịch sang năm âm lịch. Dưới đây giới thiệu cách tính đơn giản nhất.
Trước hết, phải học thuộc bảng 10 Can và 12 Chi như sau:
Can: (1) Giáp, (2) Ất, (3) Bính, (4) Đinh, (5) Mậu, (6) Kỷ, (7) Canh, (8) Tân, (90 Nhâm, (10) Quý.
Chi: (1) Tý, (2) Sửu, (3) Dần, (4) Mão, (5) Thìn, (6) Tỵ, (7) Ngọ, (8) Mùi , (9) Thân, (10) Dậu, (11) Tuất, (12) Hợi.
Muốn tìm Can, lấy năm muốn đổi trừ đi 3 rồi lấy số đơn vị tìm được tính cho Can theo bảng trên (0 tương đương với Quý). Ví dụ: Tìm Can của năm 1981, lấy 1981 - 3 = 1978; số đơn vị là 8, tương đương với can Tân (=8).
Muốn tìm Chi, lấy năm muốn đổi trừ đi 3 rồi chia cho 12, lấy số dư tìm được tính cho Chi theo bảng trên (0 tương đương với Hợi). Cũng ví dụ trên, 1981 - 3 = 1978; 1978 : 12 = 164 dư 10; số dư là 10, ứng với chi Dậu (=10).
Vậy năm 1981 là năm Tân Dậu.
Đ.N.C.T