Trong những năm qua, các phong trào xã hội hóa các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa, cổng chào văn hóa... đã được nhân dân hưởng ứng tích cực bằng cả tinh thần và vật chất, góp phần làm cho bộ mặt ở từng thôn, xóm khang trang, sạch đẹp.
Tuy nhiên, việc xây dựng cổng chào văn hóa ở các địa phương trong thời gian qua chủ yếu theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên ảnh hưởng đến bộ mặt chung của đời sống văn hóa ở cơ sở.
Cổng chào văn hóa thôn Quan Châu. |
Huyện Hòa Vang có 117 thôn, theo Phòng Văn hóa - Thể thao huyện, đến nay đa số các thôn đã xây dựng được cổng chào văn hóa. Tuy nhiên, về hình dáng, kích thước và giá trị của từng cổng chào thì không có cái nào giống với cái nào. Giá trị mỗi cổng chào từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng, tùy theo đời sống vật chất và sự hưởng ứng của người dân từng địa phương. Kiên cố nhất và hoành tráng nhất có thể kể đến là cổng chào văn hóa các thôn Quan Châu, Miếu Bông (xã Hòa Châu), Yến Nê (xã Hòa Tiến)...
Những cổng chào này được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, nền móng vững chắc với hai trụ lớn, lợp ngói đỏ và trang trí rất đẹp. Bà Đoàn Thị Thanh Lực, Bí thư chi bộ thôn Quan Châu cho biết, để xây dựng được cổng chào như vậy là nhờ vào sự đóng góp của nhân dân địa phương và con cháu trong thôn làm ăn thành đạt ở khắp mọi nơi mới đủ kinh phí hơn 40 triệu đồng để xây dựng.
Tuy nhiên, không phải thôn nào cũng huy động được nguồn kinh phí lớn để xây dựng cổng chào văn hóa có tầm cỡ. Nhiều thôn vì không đủ khả năng huy động do đời sống kinh tế nhân dân còn thấp nên đã làm theo khả năng của mình, dựng 2 trụ bê-tông và gắn pa nô tuyên truyền lên là xong. Thậm chí có những thôn làm cổng chào văn hóa rất sơ sài...
Không riêng gì cổng chào văn hóa ở các thôn của huyện Hòa Vang, các cổng chào văn hóa các tổ dân phố, khu dân cư trong khu vực nội thị cũng nằm trong tình trạng tương tự như vậy.
Được biết, hiện nay chưa có một quy định nào về xây dựng cổng chào văn hóa và cũng chưa có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước về kinh phí cho lĩnh vực này. Phần lớn các cổng chào văn hóa đã được xây dựng là do nhân dân tự nguyện đóng góp và làm theo khả năng hiện có của địa phương mình. Vì vậy, sự không đồng nhất về hình dáng, kích thước... là điều đương nhiên.
Nên chăng, các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố cần thống nhất các hình mẫu cổng chào phù hợp với nét đẹp văn hóa truyền thống mà giá thành vừa phải để các địa phương căn cứ vào đó mà xây dựng. Có như vậy mới tạo nên sự thống nhất, quy củ của từng loại cổng chào ở mỗi địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa phát triển có chiều rộng và ngày càng đi vào chiều sâu để thành phố ngày càng tươi đẹp, văn minh.
NGỌC HÂN