.

Câu đối Tết có từ bao giờ? Có mấy thể loại?

.

* Câu đối Tết có từ bao giờ? Có mấy thể loại? (Trần Văn Quảng, Sơn Trà, Đà Nẵng.)

- Theo học giả Trần Vân Đạm (đời Thanh, Trung Hoa), câu đối Tết có từ thời Thái tổ Chu Nguyên Chương nhà Minh. Khi nhà vua định đô ở Kim Lăng, đêm ba mươi Tết truyền chỉ: Các vị công khanh, học trò, dân thường, nhà nào cũng phải có câu đối Tết dán ở cửa nhà. Các học giả đời sau cũng cho rằng câu đối Tết trở thành phổ biến là từ đầu đời Minh.

Làm câu đối không quy định chữ, dài ngắn đều được, có điều phải tuân theo một số quy định như đối phải chỉnh, phải đúng lối bằng, trắc. Về thể loại, có các câu đối như sau:

Viết câu đối tại chợ Hoa Xuân Đà Nẵng.


1- Tiểu đối: bốn chữ.

2- Đối thơ: năm chữ hoặc bảy chữ.

3- Song quan: gồm hai câu đối nhau, mỗi câu là một đoạn văn liền, từ năm chữ đến chín chữ.

4- Cách cú: có hai vế, mỗi vế gồm hai đoạn đối ngắn dài tiếp nhau. Ví dụ: “Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới/ Đá xanh xây cổng, hòn dưới nống hòn trên”.

5- Gối hạc (hạc tất): mỗi vế có từ ba đoạn trở lên như chân con hạc. Ví dụ: “Nào thuở trước dưới rừng cây nghe nhạc ngựa, thấp thoáng bóng dù dáng kiệu, những than dài chí cả trượng phu/ Mà đến nay ngồi bệ ngọc ngắm tranh người, xôn xao đầu mũ gót hài, lại làm khoảnh ngôi sang hoàng đế).

* Xin giới thiệu đôi nét tư liệu về cầu Hiền Lương ở Quảng Trị? (Nguyễn Ngọc, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cầu nằm tại km 735 quốc lộ 1A, nơi vĩ tuyến 17 đi qua.

Cột cờ cầu Hiền Lương

Theo Hiệp định Geneva 1954 về Việt Nam, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, điểm giữa cầu Hiền Lương nằm trên ranh giới này.

Năm 1972, cầu bị bom của quân đội Hoa Kỳ phá hủy hoàn toàn, đến năm 1976 xây lại cầu mới cách cầu cũ 35m về phía hạ lưu.

Năm 2003, cầu Hiền Lương cũ cùng cụm di tích cột cờ và đồn biên phòng được khôi phục lại đúng vị trí cũ.



* Tôi nghe nói hoa “Forget me not” có một truyền thuyết rất diễm tình. Xin quý báo cho biết chuyện đó như thế nào? (Nguyễn Hoàng Thắng, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Hoa forget me not (xin đừng quên tôi), tiếng Việt gọi là lưu ly thảo.

Hoa " xin đừng quên tôi".

Chuyện kể rằng, có cặp tình nhân nọ một hôm đi dạo bên bờ sông. Cô gái nhìn thấy một bông hoa thật đẹp, nàng muốn hái nhưng với không tới. Muốn làm đẹp lòng người yêu, chàng trai làm một hành động rất “ga-lăng”, vươn tay ra hái hoa cho nàng. Chẳng ngờ đất bên bờ sông lở, chàng trượt chân ngã xuống, bị nước cuốn đi chỉ kịp ném bông hoa lên bờ cho người yêu với một câu nhắn tha thiết: “Xin đừng quên tôi”.

Từ đó, loại hoa này được mang tên “Xin đừng quên tôi”.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.