.

Có một đêm thơ “Xưa nay hiếm”

.

Hương trầm, hoa lan, giọt đàn bầu, tiếng thập lục, hơi sáo trúc..., có lẽ như thế cũng đủ làm nên vẻ “giàu có” cho một đêm thơ rồi. Thế nhưng, ở cái đêm thơ diễn ra tối 28-4 tại Nghĩa trủng Hòa Vang lại còn có thêm tiếng chiêng, tiếng trống nữa thì quả là một đêm thơ “xưa nay hiếm”.

Nghệ sĩ dân gian Huỳnh Bá Châu trình bày bài “Chính khí Việt”.


Càng hiếm hơn, khi không gian thơ mở ra hài hòa giữa trời đất và con người. Anh hồn hơn một nghìn nghĩa sĩ vì nước quên thân trong trận đầu đánh Pháp đúng một thế kỷ rưỡi trước chừng như đang ngự về đâu đó chứng chiếu những lời thơ sang sảng trong “Chính khí Việt” mở đầu đêm thơ:

Chính khí Việt là hồ gươm vạn thắng

Thép tôi với máu đào hun lửa nóng

Và Việt Nam muôn năm cả toàn dân

Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng

Một bài thơ vần trắc, khảng khái, đanh thép như lời hịch xuất chinh thuở trước, không phải diễn ngâm mà được thể hiện theo dạng tế văn với chất giọng trầm hùng, khoan nhặt của nghệ sĩ dân gian Huỳnh Bá Châu, người làng Khuê Trung. Tứ thơ của tác giả khuyết danh (Người Sông Hàn sưu tầm) thỉnh thoảng điểm xuyết tiếng chiêng, tiếng trống của các già làng làm lắng đọng trong lòng người nghe bao xúc cảm vượt thời gian.

Nghĩa trủng Hòa Vang đã phải di dời mấy lần trước khi về địa điểm hiện nay - phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Những cuộc thiên di địa lý ấy không làm thay đổi lịch sử hào hùng của cả một dân tộc. Ứng xử với lịch sử, dưới cái nhìn của nhà thơ Đông Trình, không phải nói suông “Đất nước chúng ta có bốn nghìn năm/Giờ lịch sử không treo trên quả lắc”, mà phải làm một điều gì đó để không phụ lòng với anh linh những người đi trước:

Ta đứng trên này đỉnh cao lịch sử

Xin hiến dâng đời nguyên vẹn trái tim

Nhà thơ Bùi Xuân: xướng ngâm“… và tất cả đều có thể trở thành lớp phù sa màu mỡ”.


33 năm trước, nhà thơ Trần Trúc Tâm, trên đường cùng đồng đội trong tiểu đoàn R20 hành quân về giải phóng Đà Nẵng, lúc ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Tòa Thị chính, anh đã bật khóc và viết bài thơ “Về Đà Nẵng” ngay trên đường Bạch Đằng. 29-3 rồi 30-4, những thời khắc lịch sử đã lùi xa nhưng trong anh vẫn gần lắm một thời hào hùng trai trẻ:

Ta không chờ xuân sang biết làm xuân hoa nở

Bốn nghìn năm dồn sức đến bây giờ

Những đoàn quân tiến về thành phố

Rất oai hùng và rất nên thơ.

Đêm lắng dần về khuya. Ánh đèn điện vẽ lên tán cây mù u nằm giữa mộ nghĩa sĩ và miếu Bà những khuôn hình đậm nhạt, sáng tối, mỗi người nhìn chúng một vẻ tùy theo sự tưởng tượng của mình. Trong cách nhìn của nhà thơ Ngân Vịnh, bóng cây mù u gợi lên trong anh những mất còn, bi tráng của một thời, và mỗi lần bước chân lên từng bậc cấp đến nơi hàng nghìn người đã nằm xuống, lại chợt thấy nao lòng:

Phút giây tôi nhắc nhở tôi

Nén nhang thắp tạ ơn người trăm năm

Sông Cẩm Lệ xuôi về phía biển, mở ra một “Bình minh đêm sông Hàn” trong thơ Trương Quang Sinh để nhạc sĩ – Đại tá Thanh Anh phổ thành ca khúc. Hay êm êm một dòng chảy để cây ghi-ta phím lõm nhấn nhá những giai điệu quê hương làm nền cho giọng hát dân ca Khu 5 của NSƯT Ngọc Thúy:

Để được yêu người Đà Nẵng hôm nay

Tình như muối mặn, gừng cay đậm đà

Một trăm năm mươi năm, vuông đất người xưa nằm giờ thuộc về quận mới Cẩm Lệ, nơi bước mấy bước là ra đến dòng sông cùng tên đã đi vào lịch sử. Trong ký ức của nhà thơ Cẩm Lệ, người lấy tên quê nhà làm bút danh, làng quê xưa dìu dặt bao nỗi nhớ quên:

Ai quen đời phố thị phồn hoa

Nhớ một quê hương, quên một con đường

Còn với nhà thơ Bùi Xuân, là một ngụ ngôn lấy ra từ những ngày chân trần lội trên lớp bùn non sau ngày mưa lũ: “… và anh ngẫm ra một điều, mọi chớp bể mưa nguồn rồi sẽ qua, cái còn lại, đọng lại, là bùn non và tất cả đều có thể trở thành lớp phù sa màu mỡ”.

Hai “cô du kích” quận Cẩm Lệ với khúc hát “Cô du kích Đà Nẵng”.


Một Nguyễn Văn Nho, biên tập viên NXB Giáo dục tại Đà Nẵng, xuất thần “hát” bài thơ “Độc ẩm ca” do một già làng ngẫu nhiên chọn trong tập “Bên hiên chiều Cẩm Lệ”. Một Đặng Ngọc Khoa, nhà báo, thăng hoa ngẫu hứng một bài thơ “thời sự”: “Đi đọc thơ nhưng không mang theo thơ/Tôi bị bất ngờ như gạo hôm qua tăng giá/Những cơn sốt trên đất nước mình rất lạ/Bão đi qua cây mù u này lại xanh màu lá”.

Năm tháng đi qua, thơ còn ở lại và… xanh màu lá. Nhiều bạn yêu thơ đã đến và thở cùng hơi thở của đêm thơ. Bút nhóm “Bên hiên chiều Cẩm Lệ” có các tác giả Dạ Tịnh, Quang Hưng, Dương Văn Lợi, Cao Văn Nuôi... góp mặt với nhiều tứ thơ, câu thơ đẹp như ca dao, chẳng hạn như “Trăng thì sáng ở trên đầu/Mẹ thì sáng ở trầm sâu cõi đời” trong bài “Vầng trăng Mẹ” của Miên Long. Nghệ sĩ Kim Loan trình bày bài “Thơ tặng mình” của cố nhà thơ Nguyễn An Hạ, Nguyên Chủ tịch UBND phường Khuê Trung, như một nén nhang tưởng nhớ bạn thơ xưa.

Khuya, chiêng trống lại vang, điểm giọng cho nghệ sĩ Huỳnh Bá Châu trong một bài thơ mà nhà báo – nhà thơ Lê Anh Dũng viết “nóng” về Nghĩa trủng Hòa Vang. Hai chú bồ câu được thả ra từ lúc khai mạc vẫn thản nhiên đậu trên tang trống. Một sự kết hợp hài hòa giữa Hội Nhà văn thành phố và quận Cẩm Lệ, đêm ấy thật đáng ngồi lại đến phút cuối, nghe câu thơ cuối để rồi ra về và tin rằng tất cả sẽ “Còn mãi với thời gian”:

Dãy hoa sứ trước sân mộ chí

Thương tiếc người bỏ mình vì nghĩa khí

Cứ man mác

nồng nàn

lựng lựng mùi hương…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.