.

Đà Nẵng 100 năm trước

.

Qua những công trình kiến trúc còn trụ lại với thời gian, những niên san hành chính, những bản báo cáo lên cấp trên của chính quyền Pháp đương thời tại Đà Nẵng, những bài báo do chứng nhân người Pháp viết, chúng ta biết được phần nào thành phố Đà Nẵng một thế kỷ trước.

Qua những công trình kiến trúc còn trụ lại với thời gian, những niên san hành chính, những bản báo cáo lên cấp trên của chính quyền Pháp đương thời tại Đà Nẵng, những bài báo do chứng nhân người Pháp viết, chúng ta biết được phần nào thành phố Đà Nẵng một thế kỷ trước.

Một góc Đà Nẵng thế kỷ trước. (ảnh tư liệu)

Tài liệu “L’Annam en 1906” cho biết vào thời điểm năm 1888, tức là khi nơi đây bắt đầu trở thành “nhượng địa” của Pháp, “Đà Nẵng không có một chỗ ở nào xứng đáng được gọi là nhà, vài nhà tranh làm nơi cư trú cho các quan chức người bản xứ của địa phương, bên cạnh những công sự nhỏ, hoang phế, một kho lúa lớn, hai hay ba người Hoa (chi nhánh của Hội An) và một vài ngôi nhà tranh tồi tàn làm nơi trú ngụ cho ngư dân...”. Theo mô tả của tài liệu, Đà Nẵng lúc đó chỉ là “một ngôi làng ở giữa một đồng bằng cát không có cây cối và nơi trú ẩn, một con đường mòn xấu ven bờ sông mà người đi bộ có thể qua lại được lúc thủy triều xuống nhưng không thể qua lại được lúc thủy triều lên”.

Nhưng từ sau khi trở thành thành phố (theo Nghị định do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 24-5-1889), vùng đất này đã bắt đầu có những thay đổi lớn. Viên công sứ Quảng Nam, đại úy Hải quân A.J. Gouin, trong bài viết “Tourane et le Centre Annam” đã mô tả như sau: “Thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển. Nhà từ đất mọc lên như nấm; một kè được xây dựng và các tàu vận chuyển hàng hóa từ vịnh vào cảng. Một đại lộ song song với dòng sông, hai bên có nhà xây bằng gạch. Mọi việc chỉ rõ rằng một thành phố thương mại đang hình thành và sẽ nổi tiếng trong tương lai”.

Nếu “Tourane et le Centre Annam” chỉ mới báo hiệu cho một Đà Nẵng “phố xá nghênh ngang” trong một tương lai gần thì toàn cảnh Đà Nẵng, qua đoạn văn đầy hình ảnh sau đây của một người Pháp khác là ông R. Castex, được dẫn trong tài liệu “L’Annam en 1906” lại nổi bật lên cái đẹp nên thơ của nó: “Đó là một cảng huy hoàng, một vịnh hùng vĩ, đoạn ngoằn ngoèo nhất là chỗ lồi lõm thân tình nhất của phần bờ biển Trung kỳ. Trong những ngày đẹp trời, những làn sóng xanh và nhẹ của biển Đông, rải rác những cánh buồm trắng vờn các tảng đá màu đen.

Khi mây đã vắng bóng trên bầu trời, cảnh tượng của tiên sảnh huy hoàng này làm cho ta xúc động”. R. Castex, sau khi mô tả bức tranh thiên nhiên từ hòn đảo lớn cù lao Chàm đến đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà cùng với dãy núi Trường Sơn đầy khe luồng bí mật và thung lũng Thu Bồn chìm lâu trong hoang dã, đã hết lời ngợi ca: “Toàn cảnh quá đẹp đã in đậm vào tâm hồn du khách ấn tượng sâu sắc...”.

Trong mắt của tác giả “L’Annam en 1906”, Đà Nẵng 100 năm trước hãy còn: “Chỗ ở của những cư dân đầu tiên rất sơ sài, trừ một người ở riêng trong một ngôi nhà tranh cách biệt, tất cả mọi người đều ở chung, mọi nhu cầu sinh hoạt đều diễn ra ở đấy”.

Giờ đây, sau một thế kỷ, Đà Nẵng đã là một thành phố lớn trực thuộc Trung ương, cơ sở hạ tầng kinh tế-kỹ thuật luôn được xây dựng để vươn đến tầm hiện đại. Nhưng Đà Nẵng không thể chỉ có vậy. Nó còn phải là một thành phố có cảnh trí đẹp, một lối kiến trúc đô thị hài hòa với phong cảnh thiên nhiên để cư dân thành phố có được sự rung cảm về danh thắng quê hương và người nơi xa đến cũng giữ mãi ấn tượng đẹp về một thành phố cuối sông đầu biển của miền Trung, nên thơ, hoành tráng.

NGÔ HỮU CHÍ

;
.
.
.
.
.