.
Khẩu hiệu trên đường phố:

Cần chấn chỉnh tốt hơn !

.

Không phải tự nhiên để nhiều khách phương xa khi đến với Đà Nẵng có chung nhận xét, thành phố có quá nhiều biểu ngữ, băng rôn và khẩu hiệu. Dọc nhiều trục đường lớn nhỏ, trên cột đèn chiếu sáng, thân cây, mặt tường nhà, người ta luôn thấy các khung bảng, băng rôn với nội dung quảng bá tuyên truyền, cổ động nhắc nhở. Nào là ý thức vệ sinh môi trường, chương trình “5 không 3 có”, nào là trật tự giao thông, mỹ quan đô thị... Rồi các khẩu hiệu chào mừng sự kiện chính trị xã hội, cổ động chủ trương chính sách, các panô áp phích quảng cáo hoạt động kinh tế của DN. Tất cả đã tạo nên một diện mạo “rất riêng” cho Đà Nẵng, là ở đâu cũng đọc thấy thông tin cổ động và hô hào.

Dĩ nhiên không ai có thể phủ nhận mục đích đặt ra của các hoạt động quảng bá thông tin trên đường phố như vậy. Nhưng với một tần suất xuất hiện quá mức phổ biến, nên chăng các nhà quản lý đô thị cần đặt lại câu hỏi, liệu có bao nhiêu phần trăm hiệu ứng thông tin từ các thông điệp đó được người dân thành phố chú ý ghi nhớ và chấp hành ? Hay họ chỉ đơn giản xem đó là những vật dụng trang trí, “tồn tại như vốn có” nên không hề để tâm ?

Không ít người thành phố trước câu hỏi này, đã thẳng thắn trả lời, thật ra họ có thấy nhưng không chú ý. Nhiều người không thể nhớ các thông điệp an toàn giao thông hay vệ sinh môi trường khi chúng xuất hiện quá dày đặc, quá nhiều nội dung trên một đoạn đường ngắn. Nhất là ở những tuyến đường lớn, người ta lo tập trung điều khiển phương tiện, làm sao có thể nhìn và đọc hết thông báo dọc đường. Rất nhiều bảng thông tin còn có nội dung rườm rà, cỡ chữ nhỏ, màu sắc nhạt, có dừng lại đọc cũng khó khăn, nói gì đến vừa đi xe vừa theo dõi. Thậm chí không ít vị trí khẩu hiệu, băng rôn khi treo lên còn làm che khuất bảng tên đường, biển báo giao thông, là những thông tin mà người dân cần hơn khi đi lại trên đường phố.

Chính bởi hiệu ứng tuyên truyền không mấy nổi bật như vậy, nên đa số người Đà Nẵng tỏ ra thờ ơ với các khẩu hiệu thông tin. Không ít đơn vị chủ quản cũng ít quan tâm đến sự tồn tại những bảng thông tin đó, khiến nhiều bảng khẩu hiệu mờ nhạt mất câu chữ, hư hỏng xiêu vẹo, băng rôn tuột dây treo, cứ lủng lẳng lung lay trước mắt người đi đường hàng tuần lễ mà chẳng ai để ý. Đó là chưa nói đến sự đầu tư, mỗi bảng hiệu luôn đi kèm chi phí thực hiện, nếu quá nhiều nhưng kém hiệu quả sẽ là lãng phí !

Rõ ràng với mục tiêu tăng cường hiệu quả nhận thức người dân, thành phố nên xóa bỏ cảnh xô bồ về bảng hiệu thông tin như vậy. Theo nhiều người dân, nên có một chủ trương sắp xếp, quy hoạch lại các loại thông tin khẩu hiệu, băng rôn cổ động sao cho hấp dẫn, hợp lý hơn, đúng từng thời điểm, từng khu vực. Tốt nhất là những thông tin nên được đặt ở các vị trí trang trọng, dễ thấy, dễ đọc, dễ hiểu và ít bị trùng lặp gây nhàm chán. Hình thức thể hiện cần đa dạng mỹ quan hơn, với các loại bảng đèn chiếu, pano màu sắc ấn tượng... Việc thay đổi, săn sóc các thông điệp nhắc nhở cũng cần được các cơ quan quản lý thực hiện thường xuyên. Có vậy, các thông tin, khẩu hiệu trên đường phố Đà Nẵng mới tạo được hiệu ứng nhận thức “nhớ và làm theo” ở người dân thành phố, chứ không chỉ là những tấm bảng đơn thuần kẻ đầy chữ !

Bài và ảnh: NHẠC DUY HẠ

;
.
.
.
.
.