.

Ngày 8-3 vừa rồi, có người tặng cho tôi một bó hoa lay-ơn

.

* Ngày 8-3 vừa rồi, có người tặng cho tôi một bó hoa lay-ơn. Xin cho biết người tặng đã ngầm gửi gắm ý nghĩa gì? Có phải mỗi loài hoa mang một ý nghĩa riêng? (Nguyễn Thị Hồng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng).

- Lay-ơn (phiên âm từ tiếng Pháp Glaeul; tiếng Latin gladiolus - cây kiếm nhỏ) mang ý nghĩa của sự hẹn hò. Hoa này còn một cái tên khác nữa nghe rất đài các là “kiếm lan”, vì lá nó dài giống như lưỡi kiếm, tiếng Anh gọi là gladiola. Kiếm lan thường được tặng cho người mình thầm yêu với ngụ ý rằng mình mong được gặp mặt người yêu. Vì vậy, người nhận sẽ tìm cách hẹn gặp người gửi hoa. Nếu nhận bó hoa mà không biết ý người gửi thì thật là uổng công người tặng.

Tặng hoa mừng Ngày
Quốc tế phụ nữ 8-3


Kiến thức đầu tiên của tặng hoa là phải hiểu được “ngôn ngữ của các loài hoa”, bởi các loài hoa thường bao hàm những tình cảm và ý nghĩa khác nhau qua sự nhân cách hóa của con người. Hoa hồng: tình yêu nồng nàn và tình hữu nghị thuần khiết; tử đinh hương: sự cao quý và xinh đẹp; thủy tiên, hoa sen, mẫu đơn, hoa ly ly: sự thánh thiện, lịch sự; hoa lan: đức cao vọng trọng, mang khí thế của người quân tử; cẩm chướng: sự quyến rũ...

Tuy nhiên, ở từng loại hoa, mỗi màu sắc lại cho mỗi ý nghĩa khác nhau.

Hoa hồng màu hồng: “Hạnh phúc trọn vẹn”, “Xin hãy tin anh”; đỏ: “Anh yêu em”; trắng: “Ngây thơ và trong trắng”, “Em rất quan trọng đối với anh”, “Em đẹp tuyệt trần, kín đáo và trầm lắng”; kết hợp trắng và đỏ: “Cùng nhau thống nhất, hòa hợp”; vàng: “Tình yêu điên cuồng”, “Hãy cố gìn giữ tình yêu”.

Hoa ly ly màu cam: “Ghét em nhiều nhưng cũng nhớ em nhiều”; trắng: “Trinh nguyên, trong trắng, uy nghi”, “Thật tuyệt vời khi được ở bên em”; vàng: “Tôi đang đi trong mây”.

Hoa cẩm chướng màu hồng: Anh sẽ không bao giờ quên em; đỏ: Em làm tim anh đau nhói; sọc, hai màu: Mong rằng anh có thể sánh đôi cùng em.

Hoa cúc đỏ: Tôi đang yêu; vàng: Tình yêu mong manh.

Tặng hoa cũng như tặng quà, thật không đơn giản chút nào. Người tặng phải chú ý đến đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, nếu không dễ gây hiểu nhầm, nhiều khi còn phản tác dụng.

* Bài “Những người giữ “lửa” hội làng” trên Báo Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 2-3 vừa rồi có dùng một từ rất lạ để nói về các vị tế lễ ở đình là bồ bái. Theo tôi hiểu, từ này phải viết là bồi bái mới đúng. (Phạm Văn Hòa, Quận ủy Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Về từ bồi bái, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (NXB Trường Thi, Sài Gòn, 1957) giải thích: “Bồi bái = bồi tế: Đứng tế ở bên cạnh người chủ tế”.

3 vị chánh bái (giữa) và vị bồi bái tại lễ hội, Đình làng Hòa An, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ.

Bồi bái là người phụ tế bên cạnh chánh bái trong các lễ cúng tế truyền thống. Ở đây, bồi nghĩa là ở hai bên người khác, bởi trong một lễ tế nói chung, ngoài chánh bái (đứng giữa) còn có hai vị đệ nhất bồi bái và đệ nhị bồi bái (hoặc tả bồi bái, hữu bồi bái) đứng ở hai bên.

Viết “bồ bái” là sai, lỗi do người viết không để ý khi lấy tư liệu.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.