Từ những mảnh vỡ của sành sứ, thủy tinh, ông và những người thợ của mình đã kỳ công thổi vào đó tình yêu nghệ thuật, tạo nên vẻ đẹp cho những ngôi đình, nhà thờ…
Nghệ nhân Mười Nhựt đang khảm sành cho một từ đường ở quận Sơn Trà. |
Và ông được xem là một trong những nghệ nhân duy nhất ở Đà Nẵng trong lĩnh vực nghệ thuật khảm sành hiện nay. Ông là Nguyễn Thanh Nhựt, bà con quen gọi ông là nghệ nhân Mười Nhựt (1952) ở tại thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Từ hàng nghìn, hàng vạn mảnh vỡ đủ màu sắc được đập ra từ bát đĩa, ấm chén, độc bình, bát hương, chai lọ... bình thường, những người thợ tài hoa đã đắp chúng thành những hình dáng như: Rồng bay phượng múa, Long chầu Nguyệt, những bức tranh đồng quê, câu đối, phù điêu, hoa văn, họa tiết... đầy sinh động. Vẫn biết rằng, những hình ảnh ấy được tạo nên bằng các loại vật liệu thô cứng nhưng nhờ sự tạo hình khéo léo và khả năng phối màu đặc sắc mà chúng bỗng trở nên thanh nhã, mềm mại, óng ả, sang trọng và lung linh kỳ ảo…
Các đình làng và từ đường của các dòng họ trên địa bàn thành phố luôn nổi bật với hàng vạn chi tiết trang trí được khảm bằng sành, sứ và thủy tinh màu. |
Theo một số nghệ nhân, đến nay, nghề khảm sành chưa rõ đã xuất phát từ đâu và từ khi nào, nhưng Lăng Khải Định (Huế) xây dựng từ năm 1920-1931 được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nghề khảm sành đã bị mai một dần theo thời gian. Tuy nhiên, đến nay, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng cao, người dân có nhiều cơ hội tham gia đóng góp xây dựng đình làng, nhà thờ nhằm tri ân công đức tổ tiên, ông bà… Vì vậy, nghề khảm sành đã trở thành nghề của thời thượng hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Nhựt cho biết, đã hơn 30 năm trong nghề, đến nay ông đã đào tạo được hơn 20 thợ lành nghề và họ đã thành lập từng nhóm để thực hiện các công trình lớn, nhỏ trong và ngoài thành phố nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Hiện nay, cùng một lúc ông phải nhận nhiều công trình và ngày càng có nhiều người theo ông học nghề. Nhưng không phải ai cũng theo được, bởi nghề này đòi hỏi con người phải có tính tỉ mỉ, có lòng yêu nghệ thuật và một chút năng khiếu bẩm sinh.
Nghề khảm sành hiện nay, những người có tay nghề lâu năm, thu nhập bình quân hơn 200 nghìn đồng/ngày; tay nghề trung bình hơn 100 nghìn đồng/ngày. Với thu nhập như vậy là khá cao so với lao động phổ thông và công việc xem ra cũng nhẹ nhàng hơn.
Dẫu không cạnh tranh khốc liệt như những ngành nghề khác, nhưng nghề khảm sành đang dần “lên ngôi” và thu hút đông lớp trẻ theo học nghề.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN