Đà Nẵng đang lần lượt xuất hiện nhiều tòa cao ốc mới, những điểm nhấn đặc biệt cho giai đoạn hưng thịnh thu hút đầu tư và tăng tốc đô thị ở thành phố biển này. Tính ra trong vòng 2 năm, con số các dự án cao ốc được chấp nhận đầu tư tại đây đã tăng vọt gấp cả chục lần thập kỷ 90 thế kỷ trước cộng lại. Tất cả có dáng dấp đồ sộ hơn, đạt đến những tầm cao từ 30 – 56 tầng.
Tuy nhiên, không ít người Đà Nẵng “có nghe mà không nhớ” hầu hết tên tuổi của từng tòa cao ốc. Lý do đơn giản vì đa số đang mang những cái tên tiếng Anh như là con dấu thể hiện bản lĩnh hội nhập của các nhà đầu tư. Nào là Golden Square, tổ hợp các tòa tháp Olalani Riverside Towers, rồi Indochina Riverside Towers, tòa tháp đôi True Friends Park...
Một số công trình cao ốc khác dĩ nhiên cũng mang những cái tên bằng chữ Việt, nhưng ý nghĩa lại rất xa lạ. Đơn cử như cao ốc Viễn Đông Meridian 56 tầng ở 84 Hùng Vương.
Theo nhiều người, dĩ nhiên không ai cấm cản nhà đầu tư chọn tên cho các công trình của mình, song phải chăng, việc khai sinh những cái tên cao ốc khó nhớ xuất phát từ sự nhìn nhận đơn giản của các nhà đầu tư? Tại sao Đà Nẵng không khuyến khích các nhà đầu tư chọn những cái tên dung dị và gần gũi với chính tâm hồn, bản sắc văn hóa Việt Nam hơn ở những công trình thế kỷ họ muốn ghi dấu nơi đây? Tại sao các nhà văn hóa Đà Nẵng không thể khơi gợi những ý nghĩa sâu sắc, những hình ảnh đẹp hơn về mảnh đất này bằng cách tham mưu cho nhà đầu tư chọn những cái tên Việt cho các cao ốc?
Thiết nghĩ, việc dùng những tên gọi thuần Việt cho các cao ốc sẽ không chỉ giúp người dân Đà Nẵng dễ nhớ, dễ tự hào về các công trình mới trên quê hương mình, mà còn giúp cho các nhà đầu tư thêm dấu ấn gần gũi với tương lai của mảnh đất này. Đừng để đến một ngày, khi công bố các công trình điểm nhấn sau 15 – 20 năm phát triển, người Đà Nẵng mới giật mình nhận ra, đó sẽ chỉ đơn thuần là danh sách những cái tên cao ốc dễ gặp ở Đài Loan, Indonesia hay châu Âu, châu Mỹ.
THỤY BẤT NHI