.

Vụ kiện nhãn hiệu hy hữu

.

Ở Quảng Nam, một trong những địa phương có nghề làm hương lâu đời nhất là xóm Hương, nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Những bậc cao niên nơi đây còn nhớ câu chuyện kể về một vụ kiện “thương hiệu” khá lý thú và hấp dẫn.

Chuyện thường ngày ở xóm Hương. (Ảnh: T.C.)

Từ những năm 20 thế kỷ trước, trên thị trường Quảng Nam xuất hiện một loại hương Tàu hiệu Vĩnh Kiết Thanh (VKT) bán khá chạy. Thấy vậy, ông Võ Tấn Túc và các hộ làm hương khác ở xóm Hương bèn âm thầm ra tận Đà Nẵng lo lót nhờ một nhà in in “nhái” nhãn hiệu VKT.

Vậy là hương VKT nhãn Tàu ruột ta được tung ra thị trường, chen vai thích cánh cùng VKT thứ thiệt, mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể cho các hộ làm hương ở xóm Hương. Giáp Tết Đinh Sửu (1937), cả xóm đang vui vẻ chuẩn bị đón xuân thì một buổi sáng nọ, có một chiếc xe đỗ xịch trước cổng nhà ông Võ Tấn Túc. Xuống xe là một viên cảnh sát người Pháp, bà con quen gọi là cò Tây, cùng với hai viên lính người Việt súng ống đầy mình và một người Tàu được giới thiệu là chủ của hãng hương VKT.

Bước vào nhà, tay cò Tây bảo dân xóm Hương làm giả hương nhãn hiệu VKT nên phải niêm lại, chờ xét xử; khi xét xử xong rồi, trắng đen rõ ràng mới cho phép làm. Nói xong, y lệnh cho hai viên lính Việt bỏ tất cả hương vào bao, lấy dây nhựa màu đỏ cột chặt, đóng chì niêm lại. Thế nhưng, lúc những người khách không mời mà đến ấy lên xe bỏ đi, ông Võ Tấn Túc bảo mọi người tháo niêm ra, lột bỏ nhãn, đem bán tất. Bữa sau, ông tức tốc ra Đà Nẵng, nhờ trạng sư có tên là Lý Trọng Trân biện hộ giùm.

Oái oăm thay, tay chủ người Tàu không kiện ở Đà Nẵng mà đâm đơn ra tận ngoài Hà Nội, buộc lòng ông Túc phải chịu thêm tiền lộ phí cho trạng sư khăn gói ra Bắc. Bên nguyên đơn, tay chủ người Tàu, dĩ nhiên có mặt ngay tại phiên tòa. Sau khi tuyên bố lý do, nêu nội dung vụ kiện, thẩm vấn bên nguyên đơn, tòa kêu bị đơn. Trạng sư Lý Trọng Trân đứng lên nói: “Tôi đại diện cho ông Võ Tấn Túc”. Tòa lại hỏi: “Tại sao ông Võ Tấn Túc làm hương giả hiệu VKT? Có biết như thế là làm thiệt hại cho người khác không?...”. Trạng sư Trân bình tĩnh vặn lại: “Xin hỏi quý tòa, khi ông chủ hiệu hương VKT sản xuất hương nhãn hiệu này có đăng lên mặt báo không? Có đưa về các địa phương công bố cho người dân biết không?”. Tòa quay sang hỏi lại tay chủ người Tàu, y xác nhận là không. Trạng sư Trân bồi một quả cuối cùng: “Nhãn hiệu VKT khi sản xuất không đưa lên mặt báo để bà con biết, đó là lỗi của ông chủ hãng hương chứ không phải lỗi của ông Võ Tấn Túc!”.

Tranh luận đã rõ, tòa tuyên ông Túc thắng kiện. Ông không phải bồi thường thiệt hại gì cho chủ hãng hương VKT, nhưng mất toi 300 đồng để trả chi phí ăn ở và tiền công cho trạng sư. Tuy tiếc đứt tóc vì mất một số tiền rất lớn thời bấy giờ, nhưng ông nghiệm ra một điều rằng, nhỏ như cây hương mà không để ý chuyện bản quyền nhãn hiệu thì cũng dễ bị đưa ra tòa như thường. Sau vụ đó, ông Túc cùng các hộ làm hương khác trong xóm xoay sang in nhãn hiệu na ná là Vĩnh Kiết... Hương!

TIẾN CHỨC (Theo lời kể của ông Võ Tấn Đồng)

;
.
.
.
.
.