.

Xin cho biết từ “nậu”

.

* Xin cho biết từ “nậu” trong câu ca “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” nghĩa là gì? Có người cho rằng không phải từ “nậu” mà là “bậu”, đúng hay sai? (Trần Quang, Đài PT-TH Đà Nẵng).

- Về từ “nậu”, sách Đại Nam thực lục tiền biên giải thích: Nậu, nguyên nghĩa là làm cỏ ruộng, rồi chỉ làng xóm và sau nữa thành tên của một đơn vị hành chính.

Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam Quốc Âm tự vị, 1896) giải thích nậu là bọn, lũ; đầu nậu là kẻ đứng đầu một bọn làm nghề.

Gustave Hue (Từ điển Việt-Hoa-Pháp, 1937) thì giải thích nậu là nhóm, tốp và dẫn: Một giáp chia làm hai nậu.

Từ điển của các tác giả Trương Vĩnh Ký và Thanh Nghị xuất bản trước năm 1945 giảng: Nậu (danh từ xưa): bọn, tụi, người khác và dẫn: Của nậu chứ không phải của mình.

Các cách giải thích này cho thấy “nậu” có 2 nguồn gốc: từ chỉ đơn vị nghề nghiệp và đơn vị hành chính.

Mít non, sản phẩm của người miền núi.

Năm 1720, theo lệnh chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), Chính dinh Nội tán Diên Tường hầu Nguyễn Khoa Đăng tiến hành chia lập các đơn vị hành chính từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, đặt ra các đơn vị hành chính gọi là Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị nhỏ hơn như Thôn, Phường, Nậu, Man.

Đến năm 1726, chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ (1697 - 1738) lại cử Đại Ký lục chính dinh Nguyễn Đăng Đệ vào định rõ chức lệ cho các đơn vị ấy. Theo đó, Nậu là tổ chức quản lý một nhóm người cùng làm một nghề, đứng đầu là người có chức danh “đầu nậu”, như nậu rớ (nhóm người đánh cá bằng rớ ở vùng nước: Nậu rớ ăn gạo chợ, uống nước sông, chổng chồng mông…), nậu nại (làm muối: Nậu nại dại lắm ai ơi/ Trời nắng không núp đem phơi ngoài đồng), nậu nguồn (khai thác rừng)...

Về sau, qua nhiều thay đổi, đơn vị hành chính “nậu” bị xóa bỏ, nội hàm của khái niệm “nậu” bị thu hẹp, có khả năng bị khai tử trong hoạt động ngôn ngữ như trường hợp từ “thuộc” ra đời cùng lúc với nó. Nhưng “nậu” đã tồn tại vì được mở rộng ngoại diên bằng cách kết hợp với các định ngữ như đã nói trên.

Về từ “bậu”, các tác giả Trương Vĩnh Ký và Thanh Nghị giảng: Bậu (danh từ xưa): tiếng thân kêu vợ mình - Bậu nói với anh, không bẻ lựu hái đào/ Lựu đâu bậu bạc, đào nào bậu cầm tay (ca dao).

Về ngữ pháp, “nậu” là đại danh từ, ngôi thứ ba. “Bậu” cũng là đại danh từ, nhưng ngôi thứ hai, tương đương với “anh”, “em”: Xa xôi chưa kịp nói năng/ Từ qua đến bậu như trăng xế chiều.

Như thế, trong câu đang xét, không thể thay “nậu” bằng “bậu”.

Xin nói thêm, “nậu” còn được phát âm thành “nẩu” (= nậu ấy), theo kiểu biến thanh phổ biến của phương ngữ Nam Trung Bộ: “chỉ” (chị ấy), “ảnh” (anh ấy)… Người các nơi thường gọi người Bình Định là dân “xứ nẩu”, vì từ “nẩu” là một đặc trưng trong ngôn từ của người Bình Định: Thương chi cho uổng công tình/ Nẩu dìa xứ nẩu bỏ mình bơ vơ...

Tuy gần đây có ấn bản ghi là nẫu (thanh ngã), nhưng xuất phát từ thực tế ngữ âm miền Nam không phân biệt hỏi (?), ngã (~), một số tác giả đề nghị ghi từ nẩu bằng thanh hỏi để thể hiện sắc thái ngữ âm đúng với thực tế hoạt động ngôn ngữ đồng thời khu biệt với nẫu (thanh ngã) trong tiếng Việt phổ thông.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.