Nếu trước đây, âm nhạc dân tộc là món ăn tinh thần hằng ngày, là niềm tự hào của mỗi người dân, là tài sản vô giá của dân tộc, thì ngày nay, đời sống âm nhạc dân tộc trong giới trẻ đang có nguy cơ mai một dần.
Điều đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong sinh hoạt âm nhạc đại chúng, âm nhạc dân tộc chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng khiêm tốn và các nghệ sĩ, nghệ nhân dù rất có tâm huyết nhưng cũng khó sống được với nghề (!).
Đâu rồi không gian âm nhạc dân tộc?
Nam thanh nữ tú cùng hát giao duyên dưới mái đình là một trong những cách giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc. |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - nhạc sĩ Trần Hồng cho biết, ngày trước, âm nhạc dân tộc đã trở thành phương tiện giao tiếp, là sự tỏ tình của những đôi nam thanh nữ tú; những bài hát ru của những người mẹ, người bà không chỉ đơn thuần để ru bé ngủ mà còn là những lời tâm sự, tự tình của mẹ, của bà về thân phận, thế cuộc. Vì vậy, hát ru còn là hát cho chính những người lớn nghe.
Ngày nay, chiếc nôi, cánh võng đưa trẻ vào giấc ngủ hầu như không còn nữa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc những bài hát ru không còn không gian “diễn xướng”. Những cặp vợ chồng trẻ hiện nay chỉ biết đến nhạc trẻ, nhạc ngoại… thì những điệu hò, lời ca âm hưởng dân tộc luôn vắng bóng trong đời sống là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, ngày nay phần lớn các bài hò khoan, hò giã gạo, hò tát nước, hò chèo thuyền... cũng không còn không gian “diễn xướng”, vì thế làm sao có cảnh thanh niên ngồi chiếu sân đình để hò đối đáp, tỏ tình giao duyên…
Giới trẻ và sự tiếp cận với âm nhạc dân tộc hiện nay
Trong thời đại mà nhạc pop “toàn cầu hóa”, giới trẻ quen với những buổi biểu diễn có hàng ngàn người xem, ở đó các nhạc cụ điện tử đã phát huy tối đa công năng thì những nhạc cụ dân tộc trở thành lạc lõng. Cùng với nó, giới trẻ hiện nay do quá thiếu những hiểu biết về sự độc đáo của nhạc cụ dân tộc nên đôi lúc không biết được giá trị của các loại nhạc cụ này.
Trong nhà trường, từ lớp 1 đến lớp 9 có môn học âm nhạc nhưng xem ra không mấy khả quan. Học sinh học hát các bài dân ca chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, học các loại nhạc cụ dân tộc nhưng rất sơ lược và điều quan trọng là học sinh không nhìn thấy các nhạc cụ dân tộc trong những giờ học nhạc, còn để nghe những bản nhạc do nhạc cụ dân tộc trình tấu là điều quá xa vời. Trong khi đó, giáo viên giảng dạy lại chủ yếu sử dụng đàn organ hoặc guitar. Vì vậy những thành tố âm nhạc phương Tây như nhạc cụ, tiết tấu âm nhạc, hòa âm... ăn sâu vào tâm khảm giới trẻ từ những ngày còn thơ bé nên âm nhạc dân tộc trong giới trẻ ngày nay như trở nên xa lạ.
Nên chăng, cần nhanh chóng khơi lại không gian âm nhạc dân tộc trong giới trẻ. Trước hết, thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn từ thành phố đến cơ sở và đặc biệt, trong nhà trường cần giáo dục cho các em hiểu biết hơn về nguồn gốc, cái hay, cái đẹp, biết yêu quý, trân trọng các loại hình âm nhạc của dân tộc.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN