Đại hội Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2008-2012) dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5 này. Đây là sự kiện quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ của thành phố. Các thế hệ văn nghệ sĩ sẽ kỳ vọng gì trước thềm đại hội này?
Nhà văn ĐOÀN XOA: Cần sự đầu tư có chiều sâu.
Nhiệm kỳ qua, lãnh đạo thành phố hết sức động viên, cổ vũ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất lẫn tinh thần cho anh chị em văn nghệ sĩ. Thế nhưng, thật sự mà nói, văn học - nghệ thuật (VHNT) chưa có sự khởi sắc. Tất nhiên, theo tôi, VHNT nói chung không thể như “mì ăn liền” vì nó cần phải có thời gian để chín, thời gian để thẩm thấu trong lòng công chúng.
Đất Quảng đã từng được biết đến với những tên tuổi của những nhà tiểu thuyết như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Võ Quảng… nhưng đến giai đoạn này, thì tiểu thuyết hầu như đã bị lắng xuống, những thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay chưa tiếp nối được những lớp cha anh về thể loại này. Âm nhạc được đầu tư nhiều nhưng chưa thấy bài hát hay đọng lại trong công chúng. Văn học thì cố gắng làm tập nọ tập kia nhưng để tạo ấn tượng trong lòng bạn đọc thì chưa thấy.
Nói vậy để chúng ta thấy rằng, trong nhiệm kỳ tới, cần đầu tư có chiều sâu cho VHNT. Ban Chấp hành mới phải là những người trẻ, năng động và phải là những người có những tác phẩm tiêu biểu. Bên cạnh đó, chú ý tập trung vào mảng lý luận phê bình và cổ vũ, tuyên truyền giới thiệu tác phẩm mới. Phải tính toán đầu tư lâu dài, tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác có chiều sâu chứ không như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Họa sĩ DƯ DƯ: Ban Chấp hành mới phải đủ đức và tài.
Liên hiệp các hội VHNT khóa tới cần phải đổi mới sâu sắc các hoạt động. Mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình văn học nghệ thuật, tìm kiếm tài trợ để giới thiệu tác phẩm ra nước ngoài và cử hội viên đi giao lưu với bạn bè quốc tế.
Mong muốn lớn nhất là BCH mới phải là những người có tài thật sự và có cái tâm, phải sống hết mình cho phong trào VHNT thành phố; phải biết đặt lợi ích chung lên trên cái tôi của bản thân mình để từ đó tạo được sân chơi cho anh em văn nghệ sĩ có cơ hội tham gia giao lưu, sáng tác trong và ngoài nước.
Thật buồn, một thành phố luôn năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, sôi nổi các hoạt động để thu hút khách du lịch nhưng lại không có “sân chơi” cho anh chị em văn nghệ sĩ thì làm sao thu hút được các văn nghệ sĩ trên cả nước về sáng tác, giao lưu tại thành phố mình.
Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ NGUYỄN THÁI PHÚ:
Phải đưa phong trào văn học nghệ thuật lên một tầm cao mới.Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động văn học - nghệ thuật nói chung và chuyên ngành sáng tác âm nhạc nói riêng vẫn còn khá trầm, chưa có được nhiều sân chơi để quảng bá, giới thiệu tác phẩm mới của văn nghệ sĩ thành phố, các diễn đàn giao lưu văn học nghệ thuật giữa các nhạc sĩ, những nhà lý luận phê bình, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung với công chúng yêu nghệ thuật của thành phố hầu như thưa thớt.
Tôi mong muốn rằng, BCH nhiệm kỳ mới ngoài niềm tin, lòng say mê hoạt động vì nghệ thuật, cần phải tâm huyết với những mục tiêu phấn đấu để đưa VHNT thành phố theo cùng với nhịp sống thời đại, với sự phát triển, khát vọng đổi thay từng ngày của thành phố, với đời sống thực tiễn và truyền thống trung dũng kiên cường của người dân Đà Nẵng. Và, trên hết là phải làm sao để tác phẩm văn học - nghệ thuật đi vào lòng người dân thành phố. Cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết với các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến các quận, huyện… tạo điều kiện thuận lợi để các ca khúc viết về thành phố có cơ hội được “sống” và đến gần với công chúng hơn.
NGỌC HÂN (ghi)