Tôi nghe nói Đà Nẵng vừa có thêm 3 di tích được xếp hạng quốc gia? Đến nay, toàn thành phố có bao nhiêu di tích cấp quốc gia? (Lê Quang Vinh, Sơn Trà, Đà Nẵng).
Nghĩa trủng Hòa Vang. |
Cuối năm 2007, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành các quyết định công nhận 3 di tích quốc gia tại thành phố Đà Nẵng: Lăng mộ nhà cách mạng Đỗ Thúc Tịnh tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang; Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thạc Gián thuộc phường Chính Gián, quận Thanh Khê.
Đến nay, thành phố Đà Nẵng có 14 di tích được xếp hạng quốc gia và được bảo vệ theo Luật Di sản - văn hóa, trong đó có 3 di tích liên quan đến danh nhân văn hóa - lịch sử là Đỗ Thúc Tịnh, Ông Ích Khiêm, Thoại Ngọc Hầu và 3 di tích liên quan đến lịch sử chống ngoại xâm là Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh và Nghĩa trủng Hòa Vang.
Các văn kiện của LHQ gồm mấy thứ tiếng? Xin cho biết các văn kiện của LHQ phải dịch ra mấy thứ tiếng? Công tác dịch thuật ở đây diễn ra như thế nào? (Nguyễn Thanh Hà, Hải Châu, Đà Nẵng).
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ. |
Theo quy định, các văn kiện của LHQ đều phải dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức là Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, A Rập và Trung Quốc. Trụ sở LHQ tại châu Âu (đặt ở Genève, Thụy Sĩ) có một cơ quan phụ trách việc tổ chức các cuộc họp, gọi là Vụ Hội nghị, trong đó có Ban dịch miệng (Ban dịch viết do Vụ Ngôn ngữ phụ trách). Vụ này có 6 phòng dịch chia theo các ngôn ngữ nói trên.
Nói chung, khối lượng công việc hằng ngày của mỗi phiên dịch viên (PDV) là 1.850 từ tiếng Anh, trung bình tương đương 5 trang A4. Trường hợp khẩn cấp thì việc nhiều hơn. Công việc được phân công theo sở trường và năng lực của từng PDV, có chia thành các nhóm như kinh tế, thương mại, nhân quyền, luật quốc tế… với 4 cách dịch dưới đây:
1- “Dịch tay”: trực tiếp viết trên giấy. Hình thức này nhanh chóng và thuận tiện khi cần dịch các văn bản ngắn hoặc có tính khẩn cấp; nhưng hiện nay rất ít dùng.
2- “Dịch miệng - đánh máy”: PDV ghi âm lời dịch vào băng rồi chuyển cho nhân viên đánh máy nghe băng, đánh máy ra văn bản, sau đó PDV soát chữa.
3- “Dịch đọc”: PDV dịch đọc trực tiếp vào mi-crô của máy tính; hệ thống ngôn ngữ của máy tính sẽ tự động đánh máy ra văn bản trên màn hình. Khi dùng cách này, PDV phải tập cho máy tính quen với giọng của mình.
4- “Dịch trên máy tính”: PDV tự gõ bàn phím lời dịch; sau đó chuyển cho Phòng đánh máy để họ làm thành văn bản theo đúng mẫu quy định.
Mỗi Phòng Ngôn ngữ đều có các PDV thâm niên cao, chuyên soát chữa văn bản dịch nhằm bảo đảm chất lượng dịch. Để trở thành một PDV đạt yêu cầu của LHQ, phải gồm đủ 3 tiêu chuẩn: Giỏi tiếng mẹ đẻ, thông thạo ngoại ngữ và có kiến thức toàn diện.
ĐNCT