.

Để sách đến với bạn đọc

.

Làm thế nào để sách có thể đến với bạn đọc nhiều nhất? Đây là câu hỏi được giới nhà văn lẫn các nhà xuất bản đặt ra nhiều nhất trong mấy năm qua, gây nên sự ồn ào trên công luận. Tuy nhiên câu trả lời xác đáng nhất là kết quả thực tế trong việc xuất bản và phát hành vẫn không mấy khả quan. Đại diện nhà xuất bản Văn học, ông Nguyễn Cừ - Giám đốc, Tổng Biên tập bày tỏ một số quan điểm riêng quanh chủ đề này.

* Thưa ông, hình như chuyện cạnh tranh trong phát hành không “gõ cửa” Nhà Xuất bản Văn học, bởi riêng cái tên của NXB cũng khiến mọi người hiểu “lãnh địa” xuất bản văn học đã có chủ?

- Hoàn toàn không phải vậy. Nhiều năm nay NXB Văn học đã thực sự hòa mình vào cơn lốc cạnh tranh trong xuất bản. Ngoài NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn thì các NXB như Thanh niên, Lao Động, Phụ nữ, Kim Đồng… cũng làm sách văn học. Bên cạnh đó, sách văn học không còn được mặn mòi trên thị trường tiêu thụ như trước nữa, bởi vậy nỗi lo của các NXB hiện nay cũng là mối quan tâm lớn của chúng tôi.

* Theo ông, điều gì đã khiến độc giả kém mặn mòi với sách văn học?

- Do sự cạnh tranh trong in và phát hành nên sách văn học hiện nay chủ yếu là tái bản, tỷ lệ sách mới không nhiều khiến độc giả lạnh nhạt dần. Công tác phê bình văn học hiện nay ít được quan tâm. Phê bình phải gánh trách nhiệm là cây cầu nối sách với bạn đọc. Nhưng bây giờ, thật đáng buồn, hầu như sách ra đều rơi tõm vào thinh không, ít nhà phê bình “động lòng”, nhất là đối với những tác phẩm mới, tác giả mới. Còn những bộ tổng tập lớn, được độc giả sẵn sàng quan tâm, không cần quảng bá thì giá thành lại quá cao, không phải ai cũng có điều kiện để mua. Đó là những nghịch lý trong phát hành.

* Chẳng lẽ thị trường sách văn học lại ảm đạm như vậy?

- Nói như vậy không phải khẳng định là bạn đọc quay lưng với sách văn học. Thậm chí ngược lại. Tôi đã có những chuyến đi tặng sách cho đồng bào vùng sâu vùng xa, tôi chứng kiến cảnh bà con, đặc biệt là thanh niên nơi đó yêu quý và thèm đọc sách, đặc biệt là sách văn học như thế nào. Phải khẳng định, việc nhất thời sách văn học chậm bước là do lỗi của chính những người làm sách. Tôi vẫn cho rằng sách văn học là loại sách có tiềm năng trong xuất bản.

Dù chưa nhiều nhưng năm 2007 NXB Văn học cũng đã đỡ đầu cho 500 tên sách đến với bạn đọc. Để làm được điều này chúng tôi đã phải tìm ra phương thức tưởng đã cũ nhưng vẫn mới, đó là từ biệt các đơn vị liên kết xuất bản, trở về phương thức tự làm. Chúng tôi lo tất cả các khâu, từ đề tài, đặt đề tài, đầu tư đề tài, biên tập, in ấn và phát hành... Lợi nhuận từ phương thức này tất nhiên cao hơn liên kết xuất bản, và điều quan trọng hơn là chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát được nội dung cuốn sách, từ các lỗi morat. Không có gì buồn hơn là phải bỏ ra số tiền lớn để mua về những cuốn sách nhan nhản lỗi chính tả.

* Theo ông, làm gì để sách đến với độc giả nhiều nhất?

- Nếu có được những điều này, tôi nghĩ tình hình xuất bản sách nói chung, sách văn học nói riêng sẽ thay đổi hoàn toàn: Sách hay, công tác phê bình tốt, quảng cáo tiếp thị giỏi, phát hành nhanh nhạy.

* Như vậy vẫn chưa đủ, nhất là với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa…?

- Vâng, tôi có thể hiểu chị định đề cập tới vấn đề giá thành. Quả thật với giá thành của sách như hiện nay thì bà con vùng sâu, vùng xa hiếm có cơ hội đọc sách. Chính bởi vậy, tôi khẳng định mô hình thư viện văn hóa xã, huyện, và tới đây là hàng loạt đề án văn hóa của Chính phủ sẽ tạo điều kiện để bà con vùng sâu, vùng xa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Chính sách trợ giá cho sách hiện nay cũng đưa lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên còn thấp so với nhu cầu.

Chị hỏi ý kiến tôi về đề án phát hành sách qua bưu điện văn hóa xã? Là người làm sách, tôi rất phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ đề án này, bởi nó thể hiện rõ tính ưu việt của xã hội, thể hiện rõ đường lối, quan điểm của Đảng đối với văn hóa. Chỉ có như vậy, sách mới có điều kiện về với nông thôn.

* Đối với NXB Văn học, chính sách trợ giá có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay tất cả các tổng tập văn học lớn, tuyển tập của các nhà văn lớn chúng tôi đều phải chờ vào trợ giá. Bộ Văn học Việt Nam thế kỷ XX hơn 70 tập, những bộ tuyển tập như tuyển tập Nguyễn Minh Châu, tuyển tập Xuân Diệu dày tới gần 10 ngàn trang… nếu không được trợ giá thì sẽ rất khó khăn. Việc xuất bản những tổng tập như vậy đã góp phần khẳng định thành tựu của nền văn học cách mạng. Chỉ tiếc là hằng năm chúng tôi chỉ được trợ giá để có thể in được tổng tập cho 2 nhà văn, mấy năm qua chưa được 10 tác giả, trong khi có 30 tác giả chúng tôi mong muốn có thể in trọn bộ tác phẩm, bởi họ là những cây đại thụ trong văn học nước nhà.

Vì vậy chị hỏi tôi có kiến nghị gì, thì tôi nói, chỉ mong muốn Nhà nước quan tâm, để ý nguyện này của chúng tôi cũng như của rất nhiều người dân được thực hiện, mặc dù với chúng tôi, làm được một bộ tuyển tập, ngoài vấn đề tiền, còn có muôn vàn khó khăn.

* Xin cảm ơn ông về những lời tâm sự chân thành!

Thu Hiên (thực hiện)

;
.
.
.
.
.