.

Diệt cọp cứu dân

.

Một buổi sáng tháng 3 năm Ất Dậu (1945), một con cọp lớn có bộ lông vàng xuất hiện trong vườn chuối sau nhà bếp ông Cửu Thái. Vợ ông mới mở cửa ra đã hốt hoảng đóng sập lại, vừa thở hổn hển, vừa kêu rối rít: “Ông ơi! Ông, con chi to quá như con mèo đang ngồi trong bụi chuối nhà mình!”.

Ngày trước, cọp thỉnh thoảng vẫn xuống làng tìm mồi. (Ảnh minh họa)


Ông Cửu Thái tên thật là Quách Thái, quê làng Hà Dục Tây, là một nhà nho có võ nghệ. Thời đó, một số xã ở phía tây huyện Đại Lộc như Hà Dục, Hà Tân, nhà cửa còn thưa thớt nên cọp thỏa sức tìm mồi. Nghe vợ nói, ông Cửu đoán chừng cọp đã vào làng, nhưng vẫn bình tĩnh, trấn an bà: “Chưa biết con chi, bà và các con đừng hoảng hốt cứ ngồi yên trong nhà cài chặt cửa lại, để tôi coi thử”. Nói xong, ông sai con chạy đi mời người em họ ở gần nhà, cũng là một tay có võ nghệ, tên là Hương Vấn. Ông này đến ngay. Hai ông bàn bạc kế hoạch diệt cọp, nó mà vào làng thì bà con khó bề yên thân. Ông Cửu cầm cái mỏ xảy (vật dụng để xảy rơm rạ, lưỡi bằng thép nhọn) đi trước, ông Hương theo sau cầm chặt lấy cây dụ (một loại dao nhọn, có cán bằng gỗ), cả hai tiến ra hướng vườn chuối.
 
Chưa đến vườn chuối, bất thình lình con cọp từ mép bụi tre phóng ra, chồm lên người ông Hương. Lập tức ông xoay người lao mạnh mũi dụ vào trúng ngay sườn con cọp. Nó bị thương, xoay mình phóng tới làm bật cái cán dụ khỏi tay ông Hương. Ông trở bộ dùng tay ôm vật với cọp. Nó vồ trúng vai ông làm vết thương sâu bằng cái chén ăn cơm, máu tuôn đầm đìa. Nhanh như chớp, ông Cửu chỉ với một bước nhảy xoay người 180 độ đã áp sát được con cọp đang đè trên người ông Hương. Với thế võ “xuyên tai”, ông đâm mạnh mũi mỏ xảy ngay vào lỗ tai cọp, ngoáy một vòng, ấn sâu vào đầu con thú dữ và la lớn: “Bà con ơi, cọp, cọp!”.  Cọp bị trúng đòn vào chỗ hiểm, gầm lên một tiếng rồi buông ông Hương, phóng nhanh về phía vườn chuối, và nhảy một mạch băng qua các vườn bắp rồi mất hút.

Thấy cọp bị thương nặng, ông Cửu rất lo, biết đâu nó sẽ quay lại và gây chuyện chẳng lành. Ông nghĩ: Phải có súng, nhưng làng mình thì kiếm đâu ra? Ông sực nhớ ra và bàn với người em lên đồn Hà Tân, thương lượng với bọn Nhật đang đóng quân ở đó, nhờ chúng diệt thú dữ.

Tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng bọn Nhật, một sĩ quan và một lính, thấy ông ra dấu hiệu bằng tay cũng hiểu và đem hai khẩu súng, một lưỡi lê đi ngay. Ông Cửu dẫn đường, tay vẫn không rời cái dụ. Đến nơi, bất ngờ cọp từ bụi rậm nhảy ra vồ lấy viên sĩ quan Nhật, y chưa kịp bóp cò, khẩu súng ngắn trên tay đã văng ra. Y bèn dùng hai tay lực lưỡng nắm chặt hai chân trước con cọp. Sau một hồi quần thảo với cọp, y bị thương nhiều nơi, máu chảy lai láng, đuối sức dần. Tên lính thấy cọp hung hăng vồ xé cấp trên của mình thì hồn vía lên mây, đứng chết trân tại chỗ. Trước tình hình ấy, nhân thấy cọp đang há miệng to sắp cắn tên Nhật, ông Cửu bèn phóng nhanh đến, dùng cây dụ đâm thẳng một nhát xuyên từ miệng đến lồng ngực con cọp, trúng ngay tim. Cọp buông tên Nhật ra, miệng cắn gần đứt cán dụ bằng gỗ, rùng mình một cái rồi nằm xoài ra, chết ngay.

Đâm chết cọp dữ, ông Cửu Thái đã góp phần đem lại sự yên lành cho xóm làng, và giành sự sống cho người sĩ quan Nhật giữa cái chết mười mươi. Ông được nhân dân làng Hà Dục Tây và các xã miền Tây huyện Đại Lộc thời ấy hết sức cảm phục và mến mộ.

P.T.M.K. (Ghi theo lời kể của ông Quách Thừa Tự, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)
                    

;
.
.
.
.
.