.

Hàm oan của Thoại Ngọc Hầu

.

Vua Minh Mạng từng ghi nhận những đóng góp to lớn của Thoại Ngọc Hầu đối với sự phát triển của miền đất Hậu Giang. Thế nhưng, sau khi người con ưu tú của đất Quảng này qua đời, tấm lòng son sắt hơn nửa thế kỷ vì nước, vì dân của ông gần như bị chính vua Minh Mạng phủi sạch.

Hát Trình tường tại Lễ kỷ niệm Ngày mất Thoại Ngọc Hầu ở Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Thoại (Thụy) sinh ngày 26-11 năm Tân Tỵ (Lê Cảnh Hưng thứ 22, Thế Tông Hiến Vũ hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát thứ 23 - 1761) tại làng An Hải xưa thuộc xứ Bà Thân, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.


Cha mất sớm, ông cùng hai em theo mẹ vào sống tại làng Thới Bình trên cù lao Dài, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. 16 tuổi, ông đầu quân chúa Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, làm đến chức Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Đến đời Minh Mạng, ông vâng lệnh vua đào các con kênh, đem lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng cho miền đất Hậu Giang nói riêng, Tổ quốc nói chung.

Để tưởng thưởng ông, vua Minh Mạng sắc ban lấy tên ông đặt con kênh Đông Xuyên là Thoại Hà, cải tên núi Sập gần đó thành Thoại Sơn; đặt tên con kênh Châu Đốc - Hà Tiên theo tên vợ ông là Vĩnh Tế Hà (kênh Vĩnh Tế), cải tên núi Sam thành Vĩnh Tế Sơn. Năm 1836 (Minh Mạng thứ 17), vua cho chạm hình kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, một trong Cửu đỉnh đặt tại Thế miếu.

Công trạng hiển hách là thế, nhưng trên bước đường công vụ của mình, ông vẫn nhiều lần quay về nơi chôn nhau cắt rốn để cùng các họ tộc chăm lo đời sống người dân như mở chợ Hà Thân, lập chùa An Phước, dựng đình An Hải, xây nhà thờ Tiền hiền... Tấm lòng hoài cố hương của ông còn thể hiện ở chỗ, khi đứng ra lập 5 đội quân, ông không quên lấy tên làng An Hải quê mình đặt tên cho các đội quân cùng với tên Châu Đốc là quê hương thứ hai. Đặc biệt, ông còn tuyển các diễn viên hát tuồng xứ Quảng cho lập thành gánh hát để ông được sống với các điệu hò câu hát quê hương.

Rất tiếc, sau khi ông qua đời tại Châu Đốc ngày 6-6 năm Kỷ Sửu (1829), an táng tại núi Sam, tấm lòng son sắt hơn nửa thế kỷ vì nước, vì dân của ông gần như bị chính vua Minh Mạng phủi sạch.Sự việc bắt đầu khi Võ Du ở Tào Hình Bộ tố cáo ông đã nhũng nhiễu của dân nhiều khoản. Triều đình nghị án, ông bị truy giáng tước xuống hàm ngũ phẩm, con ông là Nguyễn Văn Tâm bị lột ấm hàm; tất cả điền sản để lại đều bị tịch thu, phát mãi.

Về sau, Tâm bỏ đi biệt tích. Người con dòng thứ của ông là Nguyễn Văn Minh cam phận sống cảnh dân dã, nghèo nàn. Còn người con rể tên là Võ Vĩnh Lộc thì theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình; khi cuộc nổi dậy bị phá tan, vợ chồng Lộc đều bị bắt, bị giết. Vua chỉ dụ cho Bộ Hình điều tra mối quan hệ giữa Lộc và ông.

Thời gian sau, mọi việc trắng đen phơi bày, tên Du bị khép tội vu cáo, bị cách chức, lãnh án lưu đày đi Cam Lộ. Thoại Ngọc Hầu không dính líu gì với con rể trong vụ loạn tại thành Phiên An của họ Lê. Chuyện đã rõ, nhưng chẳng hiểu sao, Vua vẫn không giải oan cho người có công đã khuất và phục hồi phẩm tước, quyền lợi cho con cháu ông.

Mãi đến ngày 25-7 năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định mới xét và chính thức truy phong ông là “Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần”. Hiện nay ông có đền thờ tại Thoại Sơn và khu lăng mộ, đền thờ tại chân núi Sam, Châu Đốc (An Giang). Tính đến ngày ấy, nỗi oan mà anh linh Thoại Ngọc Hầu và con cháu ông gánh chịu đã 95 năm!

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.