.

Khi người Việt sính tiếng nước ngoài

.

Chưa bao giờ như bây giờ, khắp nơi rộ lên một kiểu nói/viết tiếng Việt  không theo một quy chuẩn nào, thậm chí có khi không biết là người Việt nói tiếng nước ngoài hay người nước ngoài nói tiếng Việt!

Một biển hiệu 100% tiếng nước ngoài trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc, đoạn qua phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.


“Một sân khấu cá tính cho chương trình đinh của ngày hội mà bất cứ một B-boy hay B-girl nào cũng không thể bỏ qua cơ hội được ngắc ngư với các break-dancer trứ danh trong giới teen đầy phong cách: W.E.B Crew, Free Style, Bad Boy, T&A và Web Style (...) Một phong cách cực kỳ kool qua các mẫu thời trang phá cách, qua các mái tóc cực kỳ hiphop...”.

Đọc đoạn trích từ bài viết “Dân teens với Yomost, ngày hội thử thách” trên chuyên san của một tổ chức đoàn thể (ra ngày 1 và 15 hằng tháng), không ít độc giả (người Việt) cảm thấy lớ ngớ cho cái trình độ đọc báo tiếng Việt của mình. Cả đoạn có 70 chữ thì hết 15 chữ là tiếng Anh được ghép tùy tiện với tiếng Việt, trong đó có những cuộc “hôn phối” chẳng những không “môn đăng hộ đối” mà còn rất chi là kệch cỡm, xa lạ với truyền thống Việt như “cực kỳ kool”, “cực kỳ hiphop”!

Năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trên Tạp chí Văn học, Hà Nội. Thế mà 42 năm trôi qua, chưa bao giờ tiếng Việt bị “nhiễm bệnh”, bị “lai căng” như hiện nay. Với đoạn trích nói trên, một số người “dễ tính” cho rằng những từ nửa Tây nửa ta ấy là mốt thời thượng của sinh viên hiện nay, cũng phải thông cảm cho các em riêng một “phong cách”. Nói như vậy chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, vô hình trung khuyến khích giới trẻ và một số tờ báo tiếp tục “phát huy” kiểu bạ đâu dùng từ ngoại đấy, như cách giật tít rất “điệu” của một bài trên một tạp chí chuyên ngành tại thành phố Hồ Chí Minh: “Chàng đì-dzai-nơ cá tính”. Các tờ báo dùng từ kiểu này ý muốn tự nâng mình lên tầm “văn hóa cao”, nhưng thực ra đã làm điều ngược lại - đánh mất phẩm giá của mình bằng cách xúc phạm tiếng mẹ đẻ.

Trước tình trạng này, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng báo động: “Nếu các ấn phẩm có sự pha tạp về ngôn ngữ như thế được lưu hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, định hướng ngôn ngữ và ý thức tiếng mẹ đẻ của xã hội... Khi tiếng mẹ đẻ được thay thế bằng tiếng của nước ngoài thì nguy cơ mai một của một nền văn hóa dân tộc là không tránh khỏi”.

Hiện nay, từ các blog trên Internet, đến các tin nhắn trên điện thoại di động của các “teen” đầy rẫy những câu văn Việt được viết dưới dạng “mật khẩu”: Bao h? (bao giờ), ăn j 0? (ăn gì không?), anh 6 chó lại (anh xích chó lại), 2 anh (hai anh = chào anh)... Trong lúc phần lớn xã hội lên án cách “sáng tạo” đánh mất bản sắc ngôn ngữ Việt này thì vẫn có một số người lên tiếng lấy làm mừng rằng thế hệ trẻ hôm nay đã có “một cách tạo từ vựng mới” đầy phong cách (!).

Góp phần phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt còn phải kể đến sự “lạm dụng” từ Hán Việt. Hơn 10 năm trước, vụ án “Đường Sơn Quán” làm xôn xao dư luận một thời đã để lại trong xã hội một cách đặt tên quán. Nếu “Thanh Tâm Quán”, “Hồng Hoa Quán” không có vấn đề gì về chữ nghĩa, thì “Ngã Năm Quán”, “Tư Thẹo Quán” là những từ chắp vá nửa ta nửa Tàu không theo quy chuẩn nào. Ở Đà Nẵng, có một số quán như thế: “Ven Sông Quán”, “Bin Quán”...

Trong một tiệc cưới nọ ở Đà Nẵng, người dẫn chương trình cười toe toét giới thiệu: “Sau đây xin mời công dưỡng dục và công sinh thành của cô dâu và chú rể bước lên sân khấu”. Lặp lại mấy lần nữa, nhưng mãi chẳng thấy ai bước lên, cuối cùng anh ta đành phải nói trắng ra là mời cha và mẹ của cô dâu, chú rể cho xong chuyện!

Ngoài năng lực ngôn ngữ cá nhân, như đã nói ở trên, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã tác động lớn đến sự trong sáng của tiếng Việt. Việc chưa chú ý đúng mức đến cách giật tít, cách sử dụng tiếng Hán Việt, tiếng nước ngoài trong tác phẩm báo chí đã ít nhiều thể hiện sự đánh mất lòng tự tôn dân tộc.  Một số báo điện tử, báo in, nhất là báo dành cho học trò, thể thao đã “vô tình” biến cái sai đã thành thói quen trong cách sử dụng văn phong của giới trẻ dần trở thành cái đúng.

Việc lạm dụng quá mức tiếng nước ngoài đã đến hồi báo động. Tại Hội thảo Ngữ học Trẻ lần thứ 13 tổ chức tại Đại học Vinh (Nghệ An) cuối tháng 4 vừa rồi, GS.TS. Lê Quang Thêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã phải thốt lên: “Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là văn hóa, là phẩm chất của người Việt. Anh không hiểu không yêu tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc thì anh không thể nói yêu nước, nói cái này cái nọ được”.Để thực sự yêu tiếng mẹ đẻ, mỗi người hãy tự nâng cao văn hóa đọc và tính tự trọng của mình trong một chuẩn mực nhất định của một người có văn hóa.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.