.

Khơi lại một loại hình nhạc kịch truyền thống

.

Trong dòng chảy của những biến động thời hội nhập, âm nhạc dường như mang hơi thở của cuộc sống thị trường hóa đương đại. Nhạc kịch dân ca là một thể loại mà dường như ít được nhiều người quan tâm.

Cảm nhận được cái hồn của tác phẩm, của điệu nhạc, lời ca, làm thế nào để nó tồn tại, phát triển và ăn sâu, bén rễ vào lòng người, đó là điều mà hầu như tất cả những người làm nghệ thuật, những người nghiên cứu, say mê và yêu mến thể loại nhạc kịch này quan tâm.


“Nhạc đàn kịch dân ca”, tác phẩm sách biên soạn, tư liệu, sưu tầm đoạt đồng giải nhì năm 2007 (do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng, quý 1-2008).

Bằng tất cả những cống hiến dành cho âm nhạc - từ chỉ huy dàn nhạc dân tộc, sáng tác kịch dân ca, viết ca khúc mang âm hưởng dân gian, sưu tầm và viết sách về dân ca - nhạc sĩ Trần Hồng đã dồn sức cho tác phẩm “Nhạc đàn kịch dân ca”, một trong những công trình tâm huyết đoạt giải nhì trong số những giải thưởng âm nhạc xuất sắc năm 2007, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng hằng năm. Trong bối cảnh hiện nay, hầu như tất cả các nước dù phát triển đến đâu vẫn tìm về với văn hóa truyền thống.

Nhìn lại xứ Quảng, vị trí của một nơi gặp gỡ ba luồng văn hóa lớn: Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, tác giả trăn trở muốn đưa những làn điệu của quê hương có khả năng làm sống lại những sinh hoạt văn hóa thời xưa. Ông sưu tầm những loại dân ca, những bài Hò khoan cổ, đặt những bài Hò khoan mới theo phong cách cổ với nội dung mới. Nặng lòng với dân ca xứ Quảng, công trình sưu tầm mang tính lý luận của ông đã tiết lộ cho người đọc nhiều góc nhìn thú vị về một loại hình dân ca độc đáo của miền Trung Trung Bộ. Theo GSTS Trần Văn Khê: Nói về nhạc kịch, tại nhiều nước châu Âu, đặc biệt tại Pháp vẫn còn cho người đi điền dã để ghi lại những truyền thống dân gian trong toàn nước Pháp còn được thịnh hành hay sắp bị chìm vào quên lãng. Ở Tây  Âu, Trung Âu, Đông Âu đều có những cơ quan hay Hội nghiên cứu ca vũ nhạc dân gian, và thỉnh thoảng có liên hoan giữa các nước để tìm hiểu nhau về mặt văn hóa dân tộc. 

“Nhạc đàn kịch dân ca” như là một tác phẩm đầy tâm huyết mà người nhạc sĩ dù đã bước sang tuổi 75 vẫn đau đáu nỗi lòng với ca kịch truyền thống của quê hương. Trong kịch dân ca thì yếu tố âm nhạc đóng vai trò chủ đạo, là linh hồn, là mạch đập xuyên suốt vở diễn. Bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây những giai điệu do chính nhạc sĩ biên soạn, bổ sung vào phần cổ nhạc trong các vở diễn, đan xen tiết tấu mới, nhưng không lạc đi làn điệu gốc. Và hơn thế nữa, tác giả còn đi sâu vào nghiên cứu nguồn gốc, sự ra đời phát triển của bài Chòi bằng những cuộc hành trình từ Bắc vô Nam, qua những chuyến đi của chính mình.
 
Đi để học, để biết, để sáng tác và ghi lại những ký ức thời gian về cuộc gặp của tác giả với đồng nghiệp, các nghệ sĩ như: GSTS Trần Văn Khê, NS Phan Huỳnh Điểu, NSND Thu Hiền… hay là cuộc gặp giữa cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Đoàn Ca kịch Liên khu 5 khi diễn vở “Thoại Khanh Châu Tuấn” trên đất Bắc. Điểm nhấn trong sáng tác nhạc kịch dân ca là lấy đề tài từ dân gian, lịch sử, về đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Điển hình là: Vọng Kim Lang (Nhớ Kim Trọng), Du Xuân, Trên núi Phìn Hồ… Đặc biệt, nhiều Tổng phổ (bản ghi nốt nhạc của tác phẩm nhiều bè dành cho dàn nhạc hoặc giọng hát được xếp đặt thành từng hàng theo thứ tự quy định từ trên xuống dưới) của các vở ca kịch như: Hương sả, Gái quê tôi, Đôi mắt biên cương…

Sách được kết cấu tinh tế từ in phẩm cho đến phần chính văn, khuôn nhạc minh họa. Lật đến những trang cuối của tác phẩm, càng thấy sự chỉn chu, mực thước của tác giả, bằng việc ghi lại những nhận xét, cảm nhận của bạn bè, đồng nghiệp, nghệ sĩ, nhà báo, những người đi cùng con đường và những người đã, đang và sẽ tiếp tục ủng hộ tác giả. Đi tiên phong trong việc sáng tác, nhạc sĩ Trần Hồng đã thành công với rất nhiều vở diễn như: Nguyễn Huệ, Bà Đô đốc áo đỏ, Tấm vóc Đại Đồng, Ngàn thu vọng mãi, Lục Vân Tiên và nhiều vở khác nữa. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Từ cái nôi âm nhạc dân gian, Trần Hồng đã đến với âm nhạc chuyên nghiệp và trở thành một nhạc sĩ. Cuốn sách là minh chứng cho những công việc thầm lặng, miệt mài của tác giả, là tấm gương cho các nhạc sĩ trẻ hôm nay, rất đáng được trân trọng…

DIỄM HƯƠNG

;
.
.
.
.
.