Làng Phú Hưng được thành lập từ cuối thế kỷ XV, nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tại ngôi làng cổ này đã có một lễ cầu mùa diễn ra hằng năm, có khác với các lễ khác ở một số nơi trên đất Quảng Nam.
Phế tích tháp Một, nơi từng diễn ra Lễ Cầu bông ở làng Phú Hưng. |
Khởi thủy, làng có tên là Tân Khương, sau cải thành Phú Khương; đến thời Gia Long, do kỵ húy, lại đổi thành Phú Hưng. Tại phía tây bắc của làng có nền một ngôi tháp Chăm đã sụp đổ, người địa phương quen gọi là Tháp Một, cách cụm tháp Khương Mỹ về phía đông nam khoảng 1km.
Theo một bản thống kê của con cháu “Tứ phái tiền hiền” làng Phú Hưng với đoàn khảo sát của Trường Viễn Đông Bác cổ vào năm 1919 (Khải Định thứ 4) thì tổng ruộng đất mà các vị tiền hiền đồng khai khẩn gồm “455 mẫu linh ruộng công và 2.126 mẫu linh ruộng tư”. Sở hữu một diện tích canh tác nông nghiệp đáng kể nên từ rất xưa, ngôi làng cổ này đã có một lễ cầu mùa, gọi là Lễ Cầu bông, diễn ra hằng năm trên nền phế tích Tháp Một. Đến giữa thế kỷ XX, tuy lễ ấy đã mất nhưng ký ức của các lão nông địa phương vẫn còn ghi lại một số nét rất khác với các Lễ Cầu bông thường gặp ở một số nơi trên đất Quảng Nam.
Hằng năm, vào sáng ngày rằm tháng giêng, những gia đình có nuôi trâu bò trong làng chuẩn bị mỗi nhà một mâm lễ vật. Sau khi trình lễ với ông từ (người có nhiệm vụ hương khói) ở ngôi miếu nhỏ dựng tại trung tâm nền phế tích Tháp Một, các tế chủ đặt mâm thành từng dãy theo thứ tự đến trước sau. Mâm lễ của từng gia đình gồm năm món thức ăn được quy ước giống nhau: Một đĩa cá sông nướng chín, một đĩa cua luộc hoặc tôm luộc, một quả trứng vịt luộc, một đĩa rau đắng trộn ruột ốc và một đĩa xôi. Tất cả đều nấu lạt, không được nêm muối. Lại thêm mấy thứ không thể thiếu gồm một gói hột nổ, một dúm muối sống, một đoạn trúc nhỏ tạo dáng cây đòn xóc gánh lúa, hai đầu có xâu mấy bánh bột nếp nắn thành dạng chiếc bánh xe.
Khi mọi người tề tựu đông đủ, ông từ đốt đèn, thắp nhang rồi bước lên vị trí chủ tế đọc bài văn cúng. Bài văn này được truyền từ nhiều đời, rất tiếc là hiện chẳng ai còn nhớ. Theo một số lão nông địa phương, lời bài văn cúng này có nhiều từ mang âm hưởng tiếng Phạn trong kinh Phật và hoàn toàn khác với bài văn đọc trong các lễ cúng Tá thổ và Cầu an phổ biến ở vùng đất Tam Kỳ nay vẫn còn truyền.
Đọc bài văn và khấn khứa xong, ông từ dùng tay bốc tượng trưng một ít thức cúng đặt vào bệ thờ trong miếu, bốc hạt nổ rải tứ phương… Sau đó, ông lấy biểu tượng “đòn xóc - bánh xe” giao cho các gia chủ mang về phơi khô rồi đặt trong bồ lúa nhà mình, giữ trọn năm với ước mong thời tiết thuận hòa, canh tác thuận lợi, thóc lúa chở về đầy nhà, trâu bò khỏe mạnh… Dịp này, trẻ chăn trâu bò trong làng được gọi đến để “xử lý” các thức cúng còn lại trong các mâm; tất cả đều được bốc bằng tay và không thức nào được mang về.
Với một số chi tiết đã nêu, liệu có thể nghĩ Lễ Cầu bông làng Phú Hưng xưa là một biến thể của hình thức cầu mùa diễn ra ở các miếu Thần Nông tại nhiều địa phương Trung Bộ, ví như Lễ rước Mục đồng ở đình Thần Nông làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng?
PHÚ BÌNH (Ghi theo lời kể của bà Đỗ Thị Bào, ông Nguyễn An và một số lão nông địa phương)