.

Ngán ngẩm… chung cư

.

Chung cư, cái gì cũng chung - từ điện đường, sân chơi đến vào ra chung lối. Có điều, chung “chịu hiểm nguy” và môi trường bẩn thỉu thì ai cũng kêu, nhưng không ai chịu trách nhiệm…

Sân rác lộ thiên

Bãi rác giữa hai dãy nhà khu chung cư ở Hòa Minh.

Kẹp giữa hai dãy nhà của khu chung cư Hòa Minh là một khoảng sân rộng. Được biết, đây là khoảng sân chơi theo thiết kếban đầu dành cho khu chung cư, nhưng đã từ lâu nó bị bỏ hoang và trở thành sân rác: Rác dưới đùn lên, rác từ trên vứt xuống, làm ô nhiễm môi trường vàchẳng có ai quan tâm nhắc nhở, có chăng chỉ là một vài dòng chữ được bôi bẩn lên tường để cảnh báo như “… cấm đái, ỉa, cắt…”.

Nhưng có lẽ dòng chữ “đe dọa” ấy cũng không đủ hiệu lực thực thi nên bãi rác vẫn loang lổ, vằn vện cả căn bệnh “đái đường” và tự do phóng uế như trên bãi biển ngày nào.

Sân chơi bị ô nhiễm nên lũ trẻ của khu chung cư vẫn sử dụng lòng đường làm nơi nô đùa, giải trí mỗi chiều. Anh bạn hành nghề xe ôm ở cùng khu chung cư, vợ đi bán hàng, chưa có con nên người nào việc nấy, sáng sớm đóng cửa ra đi, chiều tối mới về, đóng cửa nghỉ ngơi nên cũng chẳng bao giờ đề ý đến môi trường khu vực, miễn trong căn phòng của mình không có rác.

Khi được hỏi về nền nếp sinh hoạt, hội họp ở khu chung cư, anh cười nói: “Chỉ khi nào có ma chay may ra mới gặp, còn việc ai nấy làm; cả khu chung cư kéo dài, với hàng nghìn hộ ai mà họp hết, biết hết. Còn rác thải vất bừa bãi, không ai thu dọn là chuyện nhỏ. Cứ nhìn lên trời mà xem, quần áo, chăn màn giăng đầy hành lang, dây điện bùng nhùng như mạng nhện, biết là nhếch nhác, bề bộn thật đấy nhưng đành chịu”. Ngán ngẩm lắc đầu, anh chỉ vào những cái trụ điện nghiêng lệch, rạn nứt vì bị dây điện kéo về một hướng rồi nói thêm: “Bể nước ngầm bị vỡ, họ còn lấp liếm qua loa, chứ mấy cái cột điện này mà đổ xuống thì họa to…”.

Bùng nhùng lưới điện

Lưới điện khu chung cư Thanh Lộc Đán.


Nếu ở khu chung cư Thanh Lộc Đán, hai dãy nhà đối mặt nhau, có con đường chạy ở giữa, trụ điện được trồng tại một điểm và dây điện được kéo tỏa về các căn hộ trông như mạng nhện; còn các khu chung cư ở Hòa Minh, đối diện với dãy nhà dân ở bên kia đường, các trụ điện bị dây kéo nghiêng về một phía, tạo nên một lực ép gây rạn nứt thân trụ, làm cho trụ điện bị nghiêng lệch, có nguy cơ đổ gãy. Qua những mùa bão trước đây, có nhiều trụ điện loại này bị đổ, làm sập nhà dân. Hiện tại, nhiều trụ đang bị rạn nứt, nghiêng lệch, khá nguy hiểm nhưng người dân sở tại vẫn điềm nhiên xem như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Không chỉ bị ô nhiễm môi trường và lưới điện bùng nhùng nguy hiểm, ở các khu chung cư đang tồn tại nhiều khu vực họp chợ “cơ động”. Khi các điểm họp chợ ở phía ngoài đường bị ngăn cấm, mặc dù ở khu chung cư cũng có biển “Cấm họp chợ” nhưng các hàng tôm, cá sớm chiều vẫn tồn tại. Nhiều thúng mủng, gồng gánh được gửi tạm hoặc chất đầy trên các hành lang của khu chung cư, tạo nên cảnh nhếch nhác, bề bộn của khu nhà. Mùi tanh của mực cá cũng từ đó tỏa ra, gây ngột ngạt, ô nhiễm bầu không khí, nhất là trong những ngày hè nóng nực.

Các khu chung cư ngày một xuống cấp, bể nước ngầm bị rạn nứt, lưới điện bùng nhùng, trụ điện đổ nghiêng đe dọa, môi trường ô nhiễm, cuộc sống xô bồ, nhếch nhác… Chấn chỉnh cuộc sống ở khu chung cư, tạo một nét đẹp văn hóa-văn minh trong cộng đồng; có chung trách nhiệm, có ý thức bảo vệ của công, bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, đang rất cần được các cấp chính quyền địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, góp phần làm đẹp cho cảnh quan chung của thành phố.

Bài và ảnh: HÀ NGUYÊN

;
.
.
.
.
.